Nâng chất lao động nông thôn

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bình Phước có 58 xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phân định theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025. Cùng với các nguồn lực khác, công tác giải quyết việc làm thực hiện hiệu quả, chất lượng sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo của địa phương vùng DTTS và miền núi nói riêng.

Tạo việc làm cho lao động

Sau khi tham gia lớp học nghề ngắn hạn năm 2023, chị Hly E Ban đã thành thạo trong công việc và vào làm ở Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú. Có việc làm với mức lương ổn định, đối với nhiều lao động nông thôn, đồng bào DTTS là niềm vui, đem đến cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình. Chị Hly E Ban chia sẻ: Tôi làm việc ở công ty thấy cũng ổn định. Bản thân đã thành thạo trong công việc, tiền lương khá.

Ðẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nông thôn giúp người dân có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Sang, huyện Hớn Quản trong giờ làm việc

Đóng chân trên địa bàn nông thôn, bên cạnh chủ động nguồn lao động, giúp người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp, các doanh nghiệp cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện trong quá trình hoạt động, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn. Chị Lưu Thị Ngọc, Công ty TNHH cao su Thuận Lợi, huyện Đồng Phú bày tỏ: Tôi làm việc ở đây đã hơn 10 năm. Công ty gần nhà, rất thuận tiện, công việc phù hợp, không áp lực và lương tương đối ổn định.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tham gia tích cực trong đào tạo nghề và thu hút nguồn lao động tại chỗ. Lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi từng bước thay đổi nhận thức, phát huy ngành nghề được học để có thêm thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp vùng nông thôn.

“Bạn đồng hành” của doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, công ty sản xuất thì công nhân là người trực tiếp làm ra sản phẩm. Họ cũng là người góp phần tạo ra doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị. Vậy nên, người lao động đóng vai trò quan trọng, là bạn đồng hành của doanh nghiệp; họ xứng đáng được hưởng những thành quả tốt nhất của lao động. Khi được chăm lo tốt, người lao động sẽ yên tâm sản xuất, gắn bó và nỗ lực cống hiến vào sự phát triển chung của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX - TM Nhân Sang, huyện Hớn Quản cho rằng: Người lao động là cánh tay đắc lực của công ty. Họ gắn bó, làm ra sản phẩm cho công ty nên mình phải hài hòa lợi ích với nhau. Sản phẩm công ty làm ra chất lượng đến tay người tiêu dùng, yếu tố quyết định vẫn là những lao động tận tâm, trách nhiệm.

Công ty TNHH HaoHua (Việt Nam) đóng chân trên địa bàn huyện Hớn Quản đi vào hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Công ty TNHH HaoHua (Việt Nam) đóng chân trên địa bàn huyện Hớn Quản đi vào hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Thực tế, để doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phát triển bền vững thì mối quan hệ lao động và chủ sử dụng lao động phải hài hòa, tiến bộ. Đại diện nhiều công ty khẳng định, đơn vị phát triển, một phần cũng nhờ những nỗ lực và sáng tạo không ngừng của đội ngũ người lao động, họ chính là những cộng sự của công ty. Và một khi doanh nghiệp quan tâm, quý trọng, chia sẻ thành quả với người lao động, khi đó lực lượng công nhân yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, mối quan hệ vì thế ổn định, phát triển. Anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe, thị xã Phước Long chia sẻ: Đối với chúng tôi, công nhân như tài sản vô giá của công ty. Ở đây, công nhân viên chăm chỉ và làm việc rất năng suất để đáp ứng các đơn hàng. Họ luôn tận tâm, trách nhiệm, vậy nên cả hai bên phải hài hòa lợi ích với nhau.

Nỗ lực giải quyết việc làm tại chỗ

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi theo Tiểu dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được triển khai thời gian qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Tổ trưởng Tổ 11, Nhà máy Đồng Xoài, Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình bày tỏ: Công ty luôn quan tâm cuộc sống người lao động. Công việc ở đây ổn định, tinh thần thoải mái, thời gian làm việc phù hợp, tiền lương đủ cho mình trang trải cuộc sống.

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, thời gian tới Bình Phước tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu người sử dụng lao động để tổ chức các lớp phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo, giúp lao động nông thôn nắm bắt tốt kiến thức để áp dụng hiệu quả vào thực tế, từ đó có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Trần Duy Khánh, Giám đốc Nhà máy Đồng Xoài, Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình nhấn mạnh: Nhà máy quan tâm nhất là lao động trực tiếp ở địa phương vì họ có sự gắn bó và làm việc bền vững. Xác định người lao động là nhân tố quan trọng, chúng tôi quan tâm chăm lo và xem đây là nhiệm vụ chính để họ yên tâm làm việc, tạo ra sản phẩm chất lượng cho nhà máy.

“Người lao động trực tiếp làm ra sản phẩm, do đó họ là một trong những yếu tố rất quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Lợi ích của công nhân và doanh nghiệp hài hòa để cùng phát triển, khi đó doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, còn người lao động có việc làm, thu nhập ổn định” - ông Viên Quốc Cường, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH HaoHua (Việt Nam), huyện Hớn Quản khẳng định.

Năm 2024, công tác giải quyết việc làm của tỉnh ước đạt 107%. Thu hút lao động ngoại tỉnh ước cả năm 10.000 lao động, đạt 100% kế hoạch. Năm 2025, tỉnh phấn đấu lao động được giải quyết việc làm 45.000 người, tăng 4,6% so với năm 2024.

Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, Bình Phước rất nỗ lực trong thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Song song đó, tỉnh tổ chức các lớp ngắn hạn, chuyên môn tạo điều kiện cho người lao động học nhiều kỹ năng để có thể làm việc ở bất cứ môi trường nào. Ngoài ra, Bình Phước cũng đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều doanh nghiệp về đầu tư, qua đó tạo cơ hội việc làm với đa dạng ngành nghề, giúp người lao động có việc làm ổn định.

Bà PHẠM THỊ MAI HƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất đã đầu tư và đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa. Thế nhưng, trong đa số ngành nghề sản xuất thì người lao động vẫn là nhân tố chủ lực để tạo ra sản phẩm. Để thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, ngành lao động - thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị tiến hành rà soát số người trong độ tuổi lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp. Khi được đào tạo, có việc làm sẽ nâng cao thu nhập và trình độ sản xuất, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương.

Anh Ngọc - Ảnh: Trương Hiện

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/166755/nang-chat-lao-dong-nong-thon
Zalo