Đa dạng nguồn lực phát triển vùng đồng bào DTTS

Các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Nhà nước đã được huyện Bảo Lâm triển khai đa dạng, thiết thực, tạo thêm động lực giúp đồng bào DTTS nơi đây phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần.

Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, diện mạo của vùng DTTS huyện Bảo Lâm đang ngày càng thay đổi và khởi sắc

Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, diện mạo của vùng DTTS huyện Bảo Lâm đang ngày càng thay đổi và khởi sắc

Theo ông Trịnh Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, giai đoạn 2019 - 2024, Bảo Lâm huy động được 9.953 tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, 1.686 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp và lồng ghép thông qua chương trình và dự án, 5.267 tỷ đồng vốn tín dụng để phát triển sản xuất - kinh doanh, 114 tỷ đồng vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và 2.886 tỷ đồng vốn người dân đóng góp. Từ các nguồn vốn này, Bảo Lâm phân bổ đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh trong vùng đồng bào DTTS, cũng như hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với điều kiện gia đình. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, diện mạo vùng nông thôn, vùng DTTS của huyện Bảo Lâm đã thay đổi rõ nét. Tính đến thời điểm này, 13/13 xã của huyện Bảo Lâm đều đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Riêng xã Lộc An được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2020.

Ngoài ra, Bảo Lâm cũng đã triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn 2022 - 2024, huyện Bảo Lâm được phân bổ nguồn vốn hơn 68 tỷ đồng để thực hiện các dự án. Trong đó, phân bổ trên 32 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và hơn 36 tỷ đồng vốn đầu tư sự nghiệp. Hiện, Bảo Lâm đã được trên 27,5 tỷ đồng hỗ trợ hộ đồng bào DTTS là hộ nghèo và hộ nghèo là người Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở tạm, nhà dột nát để có đất ở, nhà ở kiên cố. Nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn được sử dụng trong tạo việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS, cũng như địa bàn sinh sống, giúp người dân ổn định, nâng cao đời sống, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bên cạnh việc gìn giữ cảnh quan môi trường, củng cố an ninh - quốc phòng...

Theo UBND huyện Bảo Lâm, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn Bảo Lâm hơn 11,7 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS (ngân sách Trung ương trên 10,1 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hơn 1,5 tỷ đồng). Nguồn vốn này, đến nay, huyện Bảo Lâm đã giải ngân được trên 7,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 75% kế hoạch vốn giao. Bảo Lâm sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và đầu tư sắp xếp, bố trí, ổn định dân di cư ở những nơi cần thiết và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất - đời sống trong vùng đồng bào DTTS. Cũng trong năm 2024, nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bảo Lâm hơn 6,2 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 5,4 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 812 triệu đồng. Hiện, các đơn vị được giao chủ đầu tư các dự án, tiểu dự án đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và đã được UBND huyện Bảo Lâm phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Trịnh Văn Thảo nhìn nhận, mặc dù đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thời gian qua nhưng địa phương vẫn còn những hạn chế cần tháo gỡ thời gian tới. Đó là vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng đồng bào DTTS còn ở quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sức cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo cũng chưa thật vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng ở một số thôn vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư hoàn thiện và đồng bộ, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, chưa phát huy hết hiệu quả công tác giao khoán bảo vệ rừng. “Hiện nay, Bảo Lâm đã xây dựng kế hoạch cụ thể để giải quyết những hạn chế đang vướng phải. Thời gian tới, Bảo Lâm sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Lâm lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra”, ông Trịnh Văn Thảo nói.

TRIỀU KA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202412/da-dang-nguon-luc-phat-trien-vung-dong-bao-dtts-07d2756/
Zalo