Nâng cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 để kết nối vùng

Việc TP.HCM nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 nhằm phát triển giao thông thủy, kết nối vùng và đẩy nhanh giải ngân đầu tư.

Sáng 31/12, UBND TP.HCM làm lễ khởi công xây dựng công trình nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên quốc lộ 13, và cầu Bình Phước 1 trên quốc lộ 1.

Lễ khởi công nâng tĩnh không cầu cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 tại công viên chân cầu Bình Triệu 1

Lễ khởi công nâng tĩnh không cầu cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 tại công viên chân cầu Bình Triệu 1

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết TP.HCM có 14 cây cầu trên sông Sài Gòn. Trong đó, tĩnh không cầu Bình Phước 1 và cầu Bình Triệu 1 chưa đạt chuẩn.

Để đáp ứng đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Sở GTVT TP.HCM phối hợp cùng nhiều đơn vị, chuyên gia nghiên cứu giải pháp nâng cầu đảm bảo đạt tĩnh không theo mục tiêu dự án.

Dự án triển khai sẽ tạo điều kiện để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, phát triển các cảng thủy nội địa TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh; giảm tải cho giao thông đường bộ, tăng kết nối vùng.

Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên quốc lộ 13 có điểm đầu cách mố cầu hiện hữu phía quận Bình Thạnh khoảng 93,4m hướng về Bến xe miền Đông; điểm cuối tuyến cách mố cầu hiện hữu phía TP Thủ Đức khoảng 92,4m hướng về đường Phạm Văn Đồng. Tổng chiều dài toàn dự án khoảng 770,4m.

Giải pháp thực hiện là kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu, chiều cao nâng 1,081m bằng hệ kích thủy lực. Đồng thời, bổ sung hệ móng cọc khoan nhồi tham gia chịu lực với hệ móng mố, trụ hiện hữu; tăng chiều cao kết cấu mố, trụ cầu hiện hữu bằng bê tông cốt thép.

Đối với cầu Bình Phước 1 trên quốc lộ 1, điểm đầu tuyến cách mố cầu hiện hữu phía quận 12 khoảng 152m. Tổng chiều dài toàn dự án khoảng 759,69m.

Giải pháp thiết kế chủ yếu là kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu với chiều cao khoảng 1,25m bằng hệ kích thủy lực.

Dự án này cũng bổ sung hệ móng cọc khoan nhồi tham gia chịu lực với hệ móng mố, trụ hiện hữu; tăng chiều cao kết cấu mố, trụ cầu hiện hữu bằng bê tông cốt thép.

Cầu Bình Triệu 1 hiện hữu

Cầu Bình Triệu 1 hiện hữu

Ông Vinh cho biết, tổng mức đầu tư dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 gần 134 tỷ đồng; tổng mức đầu tư nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 gần 111 tỷ đồng. Hai cầu được khởi công quý I/2025 với thời gian thi công 8 tháng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, sông Sài Gòn có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế, văn hóa, kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Campuchia.

Việc nâng tĩnh không giúp các phương tiện lưu thông bằng đường thủy dễ dàng, giảm chi phí vận tải, đảm bảo thời gian và giảm áp lực giao thông cho đường bộ.

Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo phát triển triển đồng bộ các tuyến đường thủy của TP.HCM, đồng thời kích hoạt tiếp các dự án giao thông thủy khác vốn là thế mạnh của thành phố.

Việc tổ chức khởi công dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 còn có ý nghĩa rất lớn, nhằm tập trung giải ngân đầu tư ngay từ những ngày đầu năm 2025.

Ông Cường đề nghị Sở GTVT TP.HCM lưu ý cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 được khai thác từ lâu, đã cũ, nên việc nâng cấp tĩnh không cầu là cực kỳ khó khăn.

Việc tổ chức thi công bên dưới để nâng tĩnh không cầu nhưng vẫn phải đảm bảo lưu lượng giao thông phía trên rất cao, là một thách thức và cần sự nỗ lực rất lớn.

Khi thi công, các nhà thầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để ùn tắc giao thông; đảm bảo tiến độ, chất lượng như cam kết. “Đơn vị thi công phải nỗ lực tập trung nguồn lực, phấn đấu rút ngắn thời gian thi công từ 8 tháng xuống 6 tháng”, ông Cường đề nghị.

Lưu Thủy

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nang-cau-binh-trieu-1-va-cau-binh-phuoc-1-de-ket-noi-vung-315397.html
Zalo