Nâng cấp hạ tầng giao thông không để xảy ra ùn tắc kéo dài

Tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Chuyển biến tích cực

Chiều 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trong những năm qua hệ thống chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) ngày càng hoàn thiện nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời. Công tác bảo đảm TTATGT tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; công tác kiểm tra đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật gắn với công tác thi đua khen thưởng trong công tác bảo đảm TTAGTT được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông đã cơ bản được triển khai thực hiện tốt, duy trì thường xuyên liên tục, đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng khác nhau; đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay, tạo sự lan tỏa tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong cộng đồng.

Hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... trong đó đã tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, qua đó, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến tích cực, TNGT được kiềm chế, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người dân từng bước được nâng cao.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác bảo đảm TTATGT đã được tiến hành thường xuyên, liên tục; đã tổ chức kiện toàn các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT từ Trung ương đến địa phương đảm bảo, khắc phục tình trạng chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả về bảo đảm TTATGT.

Đặc biệt, công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phục vụ có hiệu quả cho việc hoàn chỉnh các chính sách về đường bộ, về TTATGT đường bộ; báo cáo Quốc hội thông qua Luật Đường bộ và Luật TTATGT Đường bộ với tỷ lệ rất cao.

Bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông

Với những kết quả trên, ông Lê Tấn Tới kiến nghị Đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; tiếp tục chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và các tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW; xác định bảo đảm TTATGT là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hoàn thiện các quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về TTATGT; lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương tổng kết, đánh giá, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng và hàng hải; hoàn thiện các quy định về bảo đảm TTATGT, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.

Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT. Ưu tiên phân bổ nguồn lực cho công tác bảo đảm TTATGT, trọng tâm là TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa tại các địa bàn có điều kiện; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các địa bàn còn khó khăn, nhất là khu vực miền núi, biên giới.

Đối với Chính phủ tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây: Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng; rà soát, củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

Bên cạnh đó, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Đường bộ, Luật TTATGT đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng và Bộ luật Hàng hải; kịp thời sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành hoặc chỉ đạo ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật về bảo đảm TTATGT, nhất là pháp luật về Đường bộ và Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Nghiên cứu các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực, khuyến khích đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt để quy định trong dự án Luật Đường sắt dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi và tổng hợp đánh giá việc triển khai và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT; chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện mô hình, chức năng, nhiệm vụ và nâng cao năng lực của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các cấp cho phù hợp với tình hình mới.

Chỉ đạo các bộ chức năng, các địa phương rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các các quy định có liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ. Tập trung chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách có liên quan theo đề xuất, kiến nghị của các địa phương.

Bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ theo quy hoạch, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hành khách công cộng; nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng đường sắt đô thị; tập trung nguồn lực khắc phục đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt không đúng quy định, không bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Xem xét tăng nguồn kinh phí, đầu tư trang thiết bị cho hoạt động đảm bảo TTATGT cho các địa phương, nhất là các địa phương có tình hình TTATGT phức tạp; kịp thời chỉ đạo xử lý các kiến nghị liên quan đến điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa...

Mặt khác, chỉ đạo ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới để xây dựng, kết nối và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về TTATGT trên các lĩnh vực; xây dựng hệ thống báo cáo và phân tích tình hình TTATGT cấp quốc gia và cấp tỉnh; xây dựng và hoàn thiện tiêu chí xác định số vụ tai nạn giao thông, số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông để từ đó đánh giá đúng thực trạng công tác bảo đảm TTATGT.

Ngoài ra, quy định cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, cơ sở dữ liệu về vi phạm của người lái xe, cơ sở dữ liệu về người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, bảo đảm kết nối đồng bộ với các cơ sở dữ liệu khác để hình thành nên cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ thống nhất trên toàn quốc.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cap-ha-tang-giao-thong-khong-de-xay-ra-un-tac-keo-dai-348306.html
Zalo