Nâng cao vai trò góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Cần nâng cao vai trò góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, theo tinh thần Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013.

Quy định đúng nhưng chưa đủ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, sáng nay 21/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang, Khánh Hòa), cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật này theo Tờ trình nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị.

Việc sửa đổi các Luật có liên quan cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất với chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) phát biểu tại Tổ 14, sáng 21/5

ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) phát biểu tại Tổ 14, sáng 21/5

Góp ý cụ thể, ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho biết, tại Điều 32 dự thảo Luật về tính chất, mục đích và nguyên tắc phản biện xã hội quy định: "Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc thống nhất với các tổ chức thành viên nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án (sau đây gọi chung là văn bản) của cơ quan nhà nước”.

“Quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ”, đại biểu Nguyễn Văn Thi phát biểu. Theo đó, hoạt động phản biện xã hội nhằm góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp thực tế đời sống xã hội và tính hiệu quả của văn bản; các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thông qua hoạt động phản biện cũng nhằm phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Đại biểu đề nghị đối tượng phản biện không chỉ là các văn bản của cơ quan nhà nước mà cả "các văn bản của Đảng". Quy định như vậy cũng bảo đảm thực hiện việc nâng cao vai trò góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, theo tinh thần Quyết định 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Các đại biểu tham gia thảo luận ở Tổ 14, sáng 21/5

Các đại biểu tham gia thảo luận ở Tổ 14, sáng 21/5

Tại Quyết định 217-QĐ/TW quy định: đối tượng phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là các cơ quan, tổ chức, bao gồm cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta đã có cơ sở chính trị rõ.

Làm rõ khái niệm tổ chức chính trị - xã hội

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Điều 1 và Điều 5 dự thảo Luật hiện không thống nhất với nhau.

Điều 1 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Trong khi đó, tại Điều 5 quy định: Các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Như vậy, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn bao gồm cả “các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ”. Song, không phải năm nào Đảng và Nhà nước cũng giao nhiệm vụ cho các hội quần chúng, có những nhiệm vụ chỉ giao ở từng thời điểm nhất định. “Vậy có mặc nhiên các tổ chức này cũng là tổ chức chính trị - xã hội không? Ban soạn thảo cần làm rõ”, đại biểu đề nghị.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng. Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW ngày 23/4/2025 của Ban Tổ chức Trung ương có giao sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Như vậy, vẫn tách bạch ra 2 nhóm này. Quy định hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp xã cũng rất rạch ròi.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cần phải mạch lạc trong xác định khái niệm tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, trong dự thảo Luật cần ghi rõ: “các hội quần chúng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam giao nhiệm vụ”, không ghi tắt là “Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ”.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bổ sung, chúng ta không còn tổ chức cấp huyện. Trong khi đó, các tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở cấp huyện được giao quản lý số tiền do Nhà nước cấp rất lớn để cho thành viên của mình vay (chủ yếu theo mô hình Trung ương giao cho tỉnh, tỉnh giao cho huyện).

“Vậy tới đây khi không còn tổ chức cấp huyện thì ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý, thu hồi cho vay số tiền này?”, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề, đồng thời đề nghị cần làm rõ

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nang-cao-vai-tro-gop-y-xay-dung-dang-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-10373150.html
Zalo