Băn khoăn các Hội đoàn thể về mặt trận là 'trực thuộc' hay 'không trực thuộc'
ĐBQH Trần Kim Yến đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu nội dung liên quan đến các tổ chức chính trị - xã hội, để đảm bảo được tính 'độc lập tương đối' của các tổ chức thành viên khi về với Mặt trận.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đảm bảo tính độc lập tương đối của các tổ chức thành viên
Tham gia ý kiến liên quan đến Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng hiện có 2 luồng ý kiến về là các Hội, tổ chức chính trị - xã hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là "thành viên" hay "thành viên trực thuộc".

ĐBQH Trương Xuân Cừ (Ảnh: Media Quốc hội).
Quan điểm của đại biểu, trong quá trình tinh gọn bộ máy, Trung ương thống nhất có 4 Đảng bộ: Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ Quốc hội, Đảng bộ các ban Đảng khối Nội chính và Đảng bộ Mặt trận, với quy định này, tất cả các Đảng bộ lãnh đạo toàn diện các tổ chức chính trị xã hội và hội quần chúng, cho nên quy định này phải có từ "trực thuộc".
"Lâu nay khi chưa có cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tất các hội cũng đã là thành viên của Mặt trận, nhưng khác. Bởi, trước đây Hội Người cao tuổi về biên chế là do Bộ Nội vụ quản lý, tài chính do Bộ Tài chính và nhiệm vụ do Bộ Lao động quy định, nhưng bây giờ quy về một mối, từ tài chính, con người, tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, cho nên phải có từ "trực thuộc"", ông Cừ nói.
Ông Cừ cho rằng như vậy là đúng vì Đảng ủy Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể do Đảng lãnh đạo toàn diện.

ĐBQH Trần Kim Yến.
Tham gia ý kiến, ĐBQH Trần Kim Yến (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho biết, có nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề các tổ chức chính trị - xã hội. Theo bà Yến, khi thực hiện sắp xếp, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ về với Mặt trận, cụm từ "trực thuộc" được tranh luận nhiều.
Bà Yến đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo được việc tổ chức độc lập tương đối của các tổ chức chính trị - xã hội khi về với Mặt trận.
Mặt trận không thể đứng ngoài dòng chảy của lịch sử
Tham gia ý kiến, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (đoàn Tp.HCM) cho rằng, cốt lõi của mặt trận đó là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện.
"Đi cùng với tính chất tự nguyện chỉ đến một mục tiêu đó là sự thống nhất, thống nhất trong sự đa dạng chứ không như ở các cấp chính quyền", bà Châu nêu.
Đặt trong bối cảnh hiện nay là phải tinh, gọn, thực chất, hiệu quả thì Mặt trận không thể đứng ngoài dòng chảy của lịch sử.
"Mặt trận cũng phải tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phải được quy định trong luật, trong các hướng vẫn và trong điều lệ", bà Châu nói và nhấn mạnh việc sửa đổi luật lần này có sự liên thông, kết nối để đảm bảo vai trò thực hiện của Mặt trận.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu.
Bà Châu cho hay, từ lúc thành lập cho đến bây giờ, Mặt trận không có hội viên chỉ có tổ chức thành viên. Còn mạnh hay không là do hoạt động của tổ chức thành viên và những ủy viên của mặt trận.
Do đó, khi chọn lựa và những ủy viên Mặt trận thì chọn lựa người tiêu biểu, có sức quy tụ, có thể đoàn kết, tập hợp khi cần thiết và có uy tín trong nhân dân, trong xã hội và cả quốc tế.
Đối với đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là một số vị kiều bào tiêu biểu thì chúng ta cũng chọn dựa trên tiêu chí như vậy.
"Bản chất không thay đổi đó là phục vụ nhân dân, làm sao để gần dân, sát dân, mang tiếng nói của người dân, của mặt trận đến với các cấp chính quyền cũng như là phục vụ được cho sự tiến bộ của xã hội và phát triển của đất nước", bà Châu nói.
Làm sao để mặt trận có thể đóng góp được cùng với sự phát triển của đất nước là câu hỏi bà Châu đặt ra và điều bà lo lắng không phải là chỉ sửa những điều luật này để làm sao Mặt trận có thể theo kịp và phát triển chung cùng với các bộ, ban, ngành, phát huy được vai trò của mình mà còn phải chọn được cán bộ để làm công tác Mặt trận.
Khi đề xuất với Chính phủ, các kiến nghị cần thể hiện tinh thần tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời yêu cầu rõ tính giải trình. Tính giải trình không chỉ ở Chính phủ, mà cần từ các bộ, ban, ngành. Hiện chúng ta cũng đang đề xuất duy trì quyền chất vấn của đại biểu đối với Tòa án, thể hiện yêu cầu dân chủ ngày càng cao từ xã hội và nhân dân.
Đại biểu nhấn mạnh, việc chọn cán bộ làm công tác mặt trận là yếu tố then chốt. Phản biện xã hội, tập hợp ý kiến nhân dân chỉ hiệu quả khi cán bộ có tư duy chiến lược, có năng lực tiếp cận chính sách và hiểu sâu sắc xã hội.
Hiện nay, tổ chức bộ máy đang tinh gọn. Mặt trận đã thành lập Đảng bộ Mặt trận, cho thấy một bước chuyển về tổ chức, hướng đến thống nhất trong lãnh đạo và phối hợp hoạt động.