Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo

Những năm qua, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp trong tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh và dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Chất lượng lao động ngày càng được nâng cao

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy, chính quyền, đơn vị liên quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện thường xuyên. Qua gần 4 năm thực hiện, số lượng lao động qua đào tạo nghề năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2021, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 29.446 người, năm 2022 là 29.550 người, năm 2023 là 30.835 người và 8 tháng năm 2024 là 22.887 người. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 81%, năm 2022 đạt 82%, năm 2023 đạt 83% và 8 tháng năm 2024 đạt 83,9%. Đồng thời, nâng tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,7%; năm 2022 đạt 27,6%; năm 2023 đạt 29,7% và 8 tháng năm 2024 đạt 30,1%. Hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thực hiện đào tạo lại tay nghề cho khoảng 1.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo nghề gắn với việc làm cho hơn 500 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an. Với sự nỗ lực cùng quyết tâm cao của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, chắc chắn đến cuối năm 2025, toàn tỉnh sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ.

Đào tạo nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang.

Đào tạo nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang.

Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao. Nhiều kế hoạch, đề án về phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm cho lao động được ban hành. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiến hành sáp nhập, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trở nên tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động; từng bước thực hiện lộ trình tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn ký kết hợp tác với hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp các trường xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành, thực tập, khởi nghiệp và phát triển ý tưởng sáng tạo; tạo kênh giải quyết việc làm hiệu quả, bền vững cho hơn 95% học sinh, sinh viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

Công tác phân luồng học sinh THCS và THPT vào học trung cấp, cao đẳng nghề được toàn tỉnh thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thường xuyên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, đảm bảo tiêu chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho 524 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các trường được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nhất là những ngành nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Các chính sách hỗ trợ đào tạo được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động tham gia học tập. Tính đến nay, chương trình cho vay vốn dành cho học sinh, sinh viên đạt hơn 1.000 tỷ đồng với hơn 51.300 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học…

Đào tạo bám sát với mục tiêu và định hướng phát triển của tỉnh

Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh, nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian tới, toàn tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng, kỹ năng nghề cao thông qua đào tạo, đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phấn đấu mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 37.800 lao động được đào tạo ở các cấp trình độ, trong đó đào tạo trình độ đại học và trên đại học khoảng 6.800 người, đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp cho 7.000 người, còn lại là đào tạo ở trình độ sơ cấp. Các ngành nghề đào tạo bám sát với mục tiêu và định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu này, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; đầu tư, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong tình hình mới.

Đào tạo nghề chế biến món ăn tại Trường Trung cấp Du lịch - Kỹ thuật Cam Ranh.

Đào tạo nghề chế biến món ăn tại Trường Trung cấp Du lịch - Kỹ thuật Cam Ranh.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh tiến hành rà soát, xây dựng và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo thông thoáng, khả thi và đúng quy định của pháp luật, trên cơ sở bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, định hướng phát triển của tỉnh và gắn với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, tỉnh sẽ sớm ban hành và triển khai Đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến 2045. Đồng thời, rà soát, bổ sung, điều chỉnh ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm phù hợp với quy hoạch và tinh giản hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp; tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo, nhất là đối với các đối tượng chính sách; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, chuyên đề cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trực tiếp tham gia vào hoạch định chính sách, tham mưu công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại các cơ quan, đơn vị.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng trường học thông minh, xanh hóa giáo dục nghề nghiệp theo định hướng phát triển của tỉnh. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, nhất là những ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh; mở rộng hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các trường trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo với doanh nghiệp để cung ứng, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động…

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202409/nang-cao-ty-le-lao-dong-qua-dao-tao-1b845fd/
Zalo