Nâng cao nhận thức, thay đổi hành động
Hòi: 'Xin cho biết tác động và hiệu quả đầu tư của Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong giai đoạn 2021-2025?', Đỗ Thị Hằng (Quảng Ninh).

Ảnh minh họa: TL
Theo thông tin mới nhất vừa được công bố tại Hội nghị tổng kết Dự án 8: "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I: 2021-2025" diễn ra vào ngày 20/5/2025 tại Hà Nội thì dự án đã có những tác động cụ thể, như sau:
- Tác động kinh tế - xã hội: Các nội dung can thiệp của Dự án 8 mang tính toàn diện, tác động chủ yếu đến việc nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành động, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ nữ DTTS, cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp; nâng cao quyền năng kinh tế, tăng tỷ lệ bà mẹ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tăng cường vai trò, tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ, trẻ em vào các hoạt động phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương; hỗ trợ gia đình, nhà trường, chính quyền thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em… góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội cấp thiết đang đặt ra đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS &MN.
- Hiệu quả đầu tư, tính bền vững của Dự án: Các mô hình cốt lõi của dự án đã xây dựng được đội ngũ thành viên là những nhân tố uy tín, tích cực, tiên phong trong động đồng, trực tiếp duy trì hiệu quả hoạt động của mô hình tại địa phương; các hoạt động được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế, đáp ứng được nguyện vọng, phù hợp với đặc thù văn hóa, trình độ nhận thức của các nhóm đối tượng; phụ nữ, trẻ em được bảo vệ, phát triển và được hỗ trợ giải quyết các khó khăn đang hạn chế sự phát triển.
- Tác động đến các nhóm đối tượng thụ hưởng: Các hoạt động của dự án giúp phụ nữ có nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của bản thân trong các lĩnh vực đời sống xã hội, tự tin, chủ động hơn, có kiến thức, phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe và làm mẹ an toàn, kỹ năng ứng phó với các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
Thông qua hoạt động của mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em tiếp cận tốt hơn với các kiến thức, kỹ năng về tâm lý lứa tuổi, giới tính, chăm sóc sức khỏe, giao tiếp và định hướng nghề nghiệp, từ đó dần thay đổi nhận thức, hướng tới xóa bỏ định kiến giới trong thế hệ trẻ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
- Sự tham gia của người dân: Các hoạt động truyền thông, mô hình tại cộng đồng đã thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và phụ nữ. Họ đã tích cực, mạnh dạn bày tỏ quan điểm, mong muốn của mình; phát huy được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, trưởng thôn/bản, người có uy tín và sự ủng hộ, vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp.
- Công tác thực hiện bình đẳng giới trong các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình: Nhiều dự án/tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình đã quan tâm lồng ghép giới trong quá trình lập kế hoạch và tổ chức thực hiện, phụ nữ là đối tượng ưu tiên thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, việc lồng ghép giới chưa được quan tâm đúng mức ảnh hưởng đến thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS&MN và kết quả thực hiện các chỉ tiêu về giới theo yêu cầu của Chương trình. Kiến thức, kỹ năng, khả năng ứng dụng về phân tích giới, lồng ghép giới của cán bộ các ngành, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế.