Nâng cao nhận thức nhà đầu tư: 'Mở khóa' phát triển thị trường chứng khoán
Với hơn 90% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là nhà đầu tư cá nhân, việc nâng cao nhận thức cho họ là 'chìa khóa' quan trọng để thị trường phát triển hiệu quả.
Tín hiệu tích cực từ thị trường
Phát biểu tại Hội thảo Nâng cao nhận thức nhà đầu tư, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức vào sáng 17/7, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) - cho biết, thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, thanh khoản và chất lượng hàng hóa, dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
"Tính đến phiên 16/7, thanh khoản trung bình 10 phiên trên thị trường dẫn đầu thị trường Đông Nam Á, đây là thông tin quan trọng cho sự phát triển của thị trường, vì các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào sự phát triển của thị trường, ngoài yếu tố cơ chế, chính sách thị trường thì thanh khoản cũng rất quan trọng" - bà Vũ Thị Chân Phương thông tin.

Hội thảo Nâng cao nhận thức nhà đầu tư, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán diễn ra vào sáng 17/7. Ảnh: Nguyễn Hòa
Cũng nói về vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - cho biết: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tính đến giữa năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tương đương hơn 55% GDP.
Nhằm phát huy vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành vào tháng 5/2025 đã xác định, một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung để phát triển kinh tế tư nhân là tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực, trong đó có nguồn lực về vốn. Theo đó, cần khẩn trương nâng hạng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán.
Tiếp đó, ngày 27/6/2025, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trong đó yêu cầu phát triển các kênh huy động vốn từ thị trường vốn. Cụ thể, trong năm 2025, chuẩn bị đầy đủ để nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi.
Để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025, thì việc đánh giá, trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam là vô cùng quan trọng. Theo đó, để nâng cao trải nghiệm của nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam, thời gian qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp và được nhà đầu tư đánh giá cao.
Ví dự như áp dụng cơ chế NPF (Non - Prefunding) cho nhà đầu tư nước ngoài giúp tăng số lượng giao dịch. Theo đó, đã có hàng trăm nghìn giao dịch NPF (giao dịch không cần ký quỹ), số lượng NPF chiếm hơn 50% lệnh mua của khối ngoại hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho rằng: Chúng tôi thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài và họ có đánh giá tích cực với cải cách, cố gắng của Chính phủ. Do vậy, kỳ vọng nâng hạng trong năm 2025 là khá lớn.

Các chuyên gia đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phát triển tích cực. Ảnh minh họa
Giải pháp phát triển thị trường với trên 90% nhà đầu tư là cá nhân
Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phát triển tích cực và cơ hội nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi vào kỳ đánh giá diễn ra vào tháng 9/2025 rất khả thi. Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ rõ những đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là trên 90% nhà đầu tư trên thị trường là nhà đầu tư cá nhân.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) tính đến 30/6, thị trường chứng khoán có 10,2 triệu tài khoản giao dịch, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 99,82%, nhà đầu tư tổ chức chỉ 0,18% và nhà đầu tư nước ngoài gần 0,5%. Nhà đầu tư cá nhân chiếm đến trên 80% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Ngọc Linh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE: Trong quá trình tiếp xúc, DNSE nhận thấy nhà đầu tư cá nhân có những hạn chế về yếu tố cá nhân, đầu tư ngắn hạn, chưa tin vào chuyên gia mà tin vào bản thân nhiều hơn.
Do vậy, hầu hết hành động trên thị trường đang bị yếu tố tâm lý và đám đông chi phối. Chính vì thế có một thống kê là 95% nhà đầu tư đang bị thua lỗ, tuổi thọ trung bình nhà đầu tư tham gia thị trường rất ngắn, họ chỉ tham gia 2 năm và thua lỗ nên rời bỏ thị trường.
Với những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng, nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư chứng khoán là vấn đề quan trọng, điều này không chỉ hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán, mà còn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam “trụ” được hạng sau khi nâng hạng và đặc biệt, việc nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển minh bạch, hiệu quả và hấp dẫn hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Thị trường chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đều rất nhạy cảm với thông tin. Nhất là với một thị trường với hơn 90% là nhà đầu tư cá nhân như Việt Nam thì bất cứ một thông tin gì đưa ra cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường.
Theo đó, song song với những giải pháp hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán thì việc nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư cũng vô cùng quan trọng. Để nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư chứng khoán, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh vai trò của các cơ quan chức năng, các công ty chứng khoán thì các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, định hướng thông tin.
Ông Phan Xuân Thủy kiến nghị một số yêu cầu nhằm nâng cao nhận thức của nhà đầu tư, trong đó bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí, thì các thành viên trên thị trường chứng khoán cần chấp hành nghiêm các quy định về công bố thông tin. Cụ thể, cần minh bạch, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, trung thực về hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển minh bạch, hiệu quả.
Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tính đến 30/6/2025, có hơn 10,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, chiếm gần 10% dân số Việt Nam. Đáng chú ý, nhóm nhà đầu tư mới bao gồm đủ mọi độ tuổi và ngành nghề, từ sinh viên, nhân viên văn phòng, tiểu thương đến người về hưu. Sự đa dạng nhưng không đồng đều đặt ra yêu cầu cấp thiết về một hệ thống hỗ trợ kiến thức và ra quyết định đầu tư mộ cách dễ tiếp cận và phù hợp với mọi đối tượng.