Dự kiến đầu năm 2027 sẽ triển khai cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán

Trong năm 2026, VSDC và các thành viên sẽ chuẩn bị triển khai cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở, dự kiến muộn nhất đến quý I/2027 sẽ chính thức được triển khai.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố Kế hoạch triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở.

Theo lộ trình, giai đoạn quý I-II/2026, UBCKNN sẽ phối hợp với Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) dự kiến ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 119 ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tải chính quy định hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch chứng khoán.

Từ quý I/2025 - IV/2026, Cục Quản lý khu kinh tế sẽ phối hợp cùng UBCKNN và VSDC dự kiến ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 89 ngày 26/12/2019 của Bộ trường Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng đổi với VSDC để hướng dẫn hạch toán kế toán cho nghiệp vụ kế toán phát sinh khi triên khai cơ chế CCP.

Trong giai đoạn từ quý III/2025 - I/2026, UBCKNN sẽ phối hợp với VSDC và các đơn vị liên quan để chuẩn bị thành lập công ty con của VSDC thực hiện chức năng CCP. Trong năm 2026, VSDC và các thành viên sẽ chuẩn bị triển khai cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở, dự kiến muộn nhất đến quý I/2027 sẽ chính thức được triển khai.

Kế hoạch triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở.

Kế hoạch triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở.

Việc triển khai cơ chế CCP sẽ là một bước tiến quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tại hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán" tổ chức sáng 17/7, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN, cho biết đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell.

Tuy nhiên, việc được công nhận nâng hạng hay không còn phụ thuộc lớn vào đánh giá và trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Hải cho biết, UBCKNN thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài và họ có đánh giá tích cực với cải cách, cố gắng của Chính phủ. Ví dụ như áp dụng cơ chế NPF (Non – Prefunding) cho NĐT nước ngoài giúp tăng số lượng giao dịch. Đã có hàng trăm nghìn giao dịch NPF (giao dịch không cần ký quỹ), số lượng NPF chiếm hơn 50% lệnh mua của khối ngoại hiện nay.

Đối với cơ chế xử lý giao dịch thất bại, trong hàng trăm nghìn giao dịch NPF thực hiện, chỉ một vài giao dịch thất bại và đều có cơ chế xử lý ổn thỏa. Do vậy, kỳ vọng nâng hạng khá lớn.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng nâng hạng không phải đích đến mà chúng ta vẫn phải tiếp tục giải pháp duy trì xếp hạng và hướng đến xếp hạng cao hơn, mà cái cao nhất là phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng ngày càng minh bạch, công bằng, hiện đại đáp ứng chức năng kênh thu hút và phân bổ vốn trung vài dài hạn nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là sau khi nâng hạng rồi thì chúng ta phải làm gì để duy trì. Có những điểm cụ thể, câu chuyện NPF chỉ là câu chuyện ngắn hạn và dài hạn hơn là xây dựng cơ chế CCP (trung tâm thanh toán bù trừ).

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-kien-dau-nam-2027-se-trien-khai-co-che-ccp-cho-thi-truong-chung-khoan-204250717165157389.htm
Zalo