Nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của rừng

Ngày 3/2 (tức mùng 6 Tết), các địa phương tổ chức lễ hưởng ứng 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' Xuân Ất Tỵ 2025 nhằm động viên các cấp, ngành và mọi người dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

Yên Bái: Nâng cao nhận thức người dân về giá trị của rừng

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn (bên phải) tham gia Tết trồng cây. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn (bên phải) tham gia Tết trồng cây. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Thành phố Yên Bái tổ chức lễ hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025 tại phường Yên Ninh. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng và công tác trồng cây, trồng rừng gắn liền phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái Nguyễn Ngọc Trúc nhấn mạnh, cách đây 64 năm, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo kêu gọi toàn dân hưởng ứng tháng trồng cây. Thấm nhuần lời dạy của Bác và chủ trương của Đảng, chỉ đạo của tỉnh, hằng năm, mỗi khi Tết đến, Xuân về, nhân dân thành phố cùng nhân dân trong tỉnh hăng hái ra quân trồng cây, gây rừng, trồng cây xanh đô thị. Những năm qua, phong trào thi đua bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh đô thị thành phố Yên Bái không ngừng được phát huy, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Năm 2024, thành phố Yên Bái trồng mới 10.621 cây xanh đô thị, 202.775 cây xanh phân tán; diện tích trồng rừng tập trung đạt 185 ha, độ che phủ rừng ổn định ở mức 31,51%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, cây xanh đô thị ngày càng tốt. Sản xuất lâm nghiệp trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững của thành phố. Năm 2025, thành phố phấn đấu trồng 15.500 cây xanh đô thị, 145.000 cây xanh phân tán và 170 ha diện tích rừng mới tập trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Tuấn Anh và Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái Nguyễn Ngọc Trúc tham gia hưởng ứng Tết trồng cây. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Tuấn Anh và Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái Nguyễn Ngọc Trúc tham gia hưởng ứng Tết trồng cây. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Thực hiện tốt lời căn dặn của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Yên Bái tiếp tục làm tốt việc nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về lợi ích và giá trị nhân văn của việc trồng cây, bảo vệ rừng. Từ đó, tạo phong trào sâu rộng để “Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây, toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng”, từng bước tạo dựng hình ảnh đô thị thành phố Yên Bái “Sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn và đáng sống”.

Ngay sau lễ hưởng ứng, lãnh đạo tỉnh Yên Bái và các sở, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân thành phố đã tham gia trồng cây tại đường Yên Ninh, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.

Quảng Bình: Huy động nguồn lực xã hội hóa cho trồng rừng

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang (bên phải) cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, tham gia Tết trồng cây. Ảnh: TTXVN phát

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang (bên phải) cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, tham gia Tết trồng cây. Ảnh: TTXVN phát

Tại đường Nguyễn Văn Linh (thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025.

Đây không chỉ là hoạt động đầu Xuân mà còn góp phần giáo dục, kêu gọi mỗi người dân cùng cộng đồng cùng trồng cây, trồng rừng để tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sống và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, tỉnh đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức phát động “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; động viên các cấp, ngành và mọi người dân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, huy động nguồn lực xã hội hóa cho trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng cây xanh trong thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.

Quảng Bình là một trong số 6 tỉnh của cả nước thu được nguồn kinh phí khá lớn từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Những năm qua, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh đã hưởng ứng và tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ của rừng để giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể tham gia Tết trồng cây. Ảnh: TTXVN phát

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể tham gia Tết trồng cây. Ảnh: TTXVN phát

Năm 2024, Quảng Bình trồng được 11.405 ha rừng, vượt 27% kế hoạch; thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đạt 2,101 triệu cây, vượt 13,3% kế hoạch; khai thác gỗ rừng trồng đạt 810.946 m3, vượt 62% kế hoạch; giá trị xuất, nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 35,4 triệu USD.

Sau lễ phát động, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, thành phố Đồng Hới và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia trồng hàng nghìn cây xanh hai bên đường Nguyễn Văn Linh và công viên Cầu Rào, thành phố Đồng Hới.

Quảng Trị phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị hưởng ứng Tết trồng cây tại Trung tâm Hành chính huyện Hải Lăng. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị hưởng ứng Tết trồng cây tại Trung tâm Hành chính huyện Hải Lăng. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Tại thị trấn Hải Lăng (huyện Hải Lăng), tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Mùi 2025.

Tại buổi lễ, ông Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ và nối tiếp truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những năm qua, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh thường xuyên duy trì phong trào trồng cây, trồng rừng. Đây là việc làm ý nghĩa, góp phần quan trọng phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, năm 2024, Quảng Trị đã trồng được trên 12.000 ha rừng và trên 3 triệu cây phân tán; sản xuất trên 26 triệu cây giống lâm nghiệp các loại đảm bảo chất lượng để tổ chức tốt trồng rừng tập trung, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đưa vào tiêu thụ đạt khoảng 1,2 triệu m3. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng Quảng Trị đạt mức 49,4%; góp phần tạo “tăng trưởng xanh” và phát triển lâm nghiệp bền vững, ổn định môi trường sinh thái, cảnh quan và giảm thiểu những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị hưởng ứng Tết trồng cây tại Trung tâm Hành chính huyện Hải Lăng. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị hưởng ứng Tết trồng cây tại Trung tâm Hành chính huyện Hải Lăng. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp. Các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì vậy, nhiệm vụ trồng rừng là cấp bách, lâu dài nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững và cuộc sống tốt đẹp của nhân dân. Các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng và bảo vệ, phát triển rừng, thực hiện tốt quy định của pháp luật về lâm nghiệp; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đinh Thùy - Tá Chuyên - Nguyên Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nang-cao-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-ve-gia-tri-cua-rung-20250203130244953.htm
Zalo