Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống đuối nước

Các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống đuối nước (25/7) năm nay được tổ chức tại tỉnh Nghệ An và Thừa Thiên Huế - những địa phương đang triển khai chương trình dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống đuối nước.

Với chủ đề năm nay là “Đuối nước - Khoảnh khắc sinh tồn”, các hoạt động hưởng ứng không chỉ là cơ hội ghi nhận những thành tựu phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương mà còn thúc đẩy nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ đuối nước ở trẻ em, cung cấp kiến thức và kỹ năng cho bố mẹ, người giám sát trẻ để giữ an toàn và bảo vệ sinh mạng cho con em mình.

Ngày 19/7, tại Nghệ An đã diễn ra Hội thảo liên ngành chia sẻ kết quả triển khai các giải pháp mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Hà, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, các Bộ, ngành liên quan và đại diện các tổ chức quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo liên ngành chia sẻ kết quả triển khai các giải pháp mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em, ngày 19/7 tại Nghệ An. (Nguồn: Báo Nghệ An)

Toàn cảnh Hội thảo liên ngành chia sẻ kết quả triển khai các giải pháp mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em, ngày 19/7 tại Nghệ An. (Nguồn: Báo Nghệ An)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành, các địa phương. Luật trẻ em đã quy định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

"Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 hướng đến mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em; triển khai các giải pháp, mô hình dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ”.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định: “Chúng ta có thể và phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để nhân rộng thành công của Nghệ An trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bị đuối nước. Biết bơi có thể tạo nên sự khác biệt rất lớn giữa đuối nước và sống sót trong mỗi khoảnh khắc nguy hiểm.

WHO rất hoan nghênh cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam trong việc huy động các cơ quan khác nhau, với cơ quan đầu mối là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để bảo vệ trẻ em khỏi thảm kịch có thể phòng tránh này".

Bà Đoàn Thu Huyền, đại diện tại Việt Nam của Tổ chức Campaign for Tobacco - Free Kids (Hoa Kỳ) nhấn mạnh thêm: “Đuối nước xảy ra chỉ trong mỗi khoảnh khắc nhưng với nhận thức đúng và hành động kịp thời những gì xảy ra trong những giây phút đó cũng có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được. Do đó, hơn ai hết, bố mẹ, người thân hay thầy cô giáo cần tăng cường giám sát an toàn cho trẻ em, tạo điều kiện để các con được học bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước".

Ngày 20/7, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống đuối nước 2024, Ngày gia đình phòng chống đuối nước đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An, thu hút sự tham gia của hàng trăm học sinh.

Tại Việt Nam, mặc dù số trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng đây vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. (Nguồn: Báo Thanh niên)

Tại Việt Nam, mặc dù số trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng đây vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. (Nguồn: Báo Thanh niên)

Sự kiện tạo ra sân chơi bổ ích cho các gia đình trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú như các trò chơi Thẻ tri thức, Đuổi hình bắt chữHộ chiếu BOBO biết bơi. Tham gia sự kiện, cha, mẹ, các thành viên gia đình và trẻ em cùng nhau luyện tập kỹ năng cứu đuối thông qua hoạt động “Giải cứu”, mô phỏng thao tác cứu người trong tình huống nguy hiểm. Những hoạt động này không chỉ mang tính giải trí mà còn nâng cao nhận thức và cung cấp các kỹ năng thực tế về an toàn trong môi trường nước cho cả gia đình.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, dưới sự chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Lễ hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống đuối nước và Hội thi tìm hiểu kiến thức phòng chống đuối nước trẻ em năm 2024 đã được tổ chức trong ngày 28/7 với nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống đuối nước đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước.

Thông qua các phần thi như vẽ tranh, diễn tiểu phẩm, tìm hiểu kiến thức về an toàn trong môi trường nước, hùng biện, các em học sinh của thành phố đã được trang bị kiến thức về các biện pháp an toàn khi tham gia các hoạt động dưới nước; kỹ năng sống, phát triển toàn diện và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.

Theo WHO, mỗi năm, khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước và hơn 90% các trường hợp xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, mặc dù số trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng đây vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương và cao hơn gấp 10 lần các nước phát triển. Trẻ em ở nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp hai lần trẻ ở khu vực thành thị. 55% trẻ tử vong do đuối nước thuộc các hộ gia đình nghèo ở nông thôn.

Tai nạn đuối nước không chỉ để lại nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình nạn nhân mà còn là sự tổn thất của xã hội. Đối với những trường hợp đuối nước nhưng không tử vong, trẻ em phải chịu nhiều hậu quả lâu dài về sức khỏe với chi phí chăm sóc y tế lớn trở thành gánh nặng cho gia đình.

Hồng Ánh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nang-cao-nhan-thuc-cua-cong-dong-ve-phong-chong-duoi-nuoc-280591.html
Zalo