Nâng cao năng lực truyền thông về tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.

Phó Vụ trưởng Hồ Hồng Hải phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn. (Ảnh: Hải Anh)

Phó Vụ trưởng Hồ Hồng Hải phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn. (Ảnh: Hải Anh)

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, với ưu thế thông tin nhanh, phổ cập rộng, cách thức chuyển tải nội dung phong phú, hấp dẫn có sức lan tỏa và khả năng tác động lớn đến xã hội, báo chí đã trở thành lực lượng chủ lực góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong nhiều năm qua.

“Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã giao trách nhiệm cho Bộ TT&TT tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chính vì vậy, Bộ TT&TT đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá ngày hôm nay”, ông Hải nhấn mạnh mục đích của Hội nghị.

Tại Hội nghị, phóng viên, biên tập viên, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố được cập nhật thông tin mới về tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam và các biện pháp phòng chống, hạn chế sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân thông qua công cụ thuế.

Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên.

Nhiều đối tượng đã lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Cụ thể, trong quý I/2024, công an cả nước đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, các báo cáo, nghiên cứu cũng chỉ ra những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, môi trường, tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội.

Về vấn đề thuế thuốc lá, theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), việc tăng thuế sẽ giúp giảm dần số người sử dụng thuốc lá. Giá thuốc lá tại Việt Nam hiện khá rẻ so với các quốc gia trong khu vực, nếu thuế được tăng lên theo mức khuyến nghị, có thể sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt là trong nhóm đối tượng trẻ tuổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế và tổ chức này đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với sản phẩm thuốc lá, ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án này không chỉ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc mà còn tạo nguồn thu thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia, dự báo sẽ tăng thêm khoảng 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế thuốc lá vào năm 2030.

Bên cạnh đó, bà Hải cũng chỉ ra rằng, gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá rất lớn, với hơn 104.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Khoảng 15 triệu người Việt Nam đang hút thuốc, và hàng chục triệu người khác chịu ảnh hưởng của thuốc lá thụ động. Do đó, việc triển khai các biện pháp giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là tăng thuế thuốc lá, là rất cấp thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm gánh nặng y tế cho xã hội.

Trong buổi tập huấn, các chuyên gia và đại diện các cơ quan chức năng cũng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng trong việc triển khai công tác truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ và học sinh, sinh viên. Các hoạt động này được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh, không khói thuốc tại Việt Nam trong tương lai.

Mạnh Quang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-cao-nang-luc-truyen-thong-ve-tac-hai-thuoc-la-cho-phong-vien-bien-tap-vien-post532553.html
Zalo