Nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá
So với năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Việt Nam là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất.
Chiều 16/11, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; cán bộ các Sở TT&TT và Phòng Văn hóa, thông tin.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hàng năm có 7 triệu người tử vong do tác hại của thuốc lá, trong đó, có 1 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hằng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.
Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000-6.000 tấn formaldehyde, từ 12-47 nghìn tấn nicotine và từ 300-600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.
Những năm gần đây, thuốc lá truyền thống đang bị lấn át bởi thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử ngày càng tăng và tăng chủ yếu ở giới trẻ. Để giảm thiểu, phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đã có nhiều quy định liên quan đến giảm tác hại thuốc lá như cấm quảng cáo, cấm sử dụng thuốc lá nơi công cộng,… Ngoài ra, còn nhiều chính sách thuế, tuy nhiên các chính sách thuế còn thấp, do đó, tỷ lệ hạn chế giảm thiểu về tác hại thuốc lá không được nhiều.
"Phòng chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ, cũng như cần sự vào cuộc của nhiều bên để xây dựng môi trường không khói thuốc. Truyền thông hiệu quả cũng sẽ góp phần mạnh mẽ trong công tác này. Vì vậy, chương trình hôm nay nhằm cung cấp cho các đại biểu những thông tin mới nhất, cụ thể nhất, từ đó, cùng với sự đồng hành của báo chí, truyền thông chung tay góp phần hạn chế việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới ở Việt Nam. Cùng nhau giải quyết những gánh nặng do thuốc lá gây ra", ông Hồng Hải nhấn mạnh.