Nâng cao năng lực truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá
Ngày 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài, các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông, phòng văn hóa, thông tin tại Hà Nội.
Tại chương trình, các đại biểu đã được cập nhật tình hình hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong phòng chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam; làm rõ tác hại của thuốc lá điện tử; chỉ ra một số quan niệm sai lầm, sự thật và kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới; khuyến cáo của WHO về quan điểm cấm các sản phẩm thuốc lá mới...
Thông qua buổi tập huấn, Ban Tổ chức hi vọng cung cấp nhiều thông tin mới tới các phóng viên, biên tập viên về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Đồng thời tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan báo chí. Từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động).
Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỉ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.
Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỉ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.
Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Theo thống kê của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, đối với lứa tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỉ lệ sử dụng thuốc lá có giảm từ 3,5% năm 2014, xuống 2,7% năm 2022.
Trong đó nam giới giảm từ 6,3%, xuống 4%, nữ giới tăng nhẹ từ 0,1% năm 2015, lên 0,2% năm 2020. Tỉ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) tại các địa điểm công cộng cũng giảm, như: tại nơi làm việc giảm từ 42,6%, xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9%, xuống 56,0%; tại nhà hàng giảm từ 80,7%, xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/trà giảm từ 89,1%, xuống 86,2%.