Nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo đánh giá của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ hiện chiếm hơn 97% tổng số DN cả nước. DN vừa và nhỏ đang đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, khác với các DN lớn có đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý (HTPL) chuyên nghiệp, nhiều DN vừa và nhỏ vẫn đang tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa đầu tư đúng mức vào việc nâng cao kiến thức pháp luật nhằm phòng tránh rủi ro, sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.
Tại Đồng Nai, thời gian qua, các sở, ngành, cơ quan chức năng đã chủ động triển khai hiệu quả nhiều chương trình HTPL cho DN vừa và nhỏ với nội dung, hình thức phong phú. Đặc biệt là chương trình đối thoại với DN; tổ chức các hội thảo, tọa đàm tư vấn pháp luật chuyên sâu…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội DN Đồng Nai, hiện còn không ít DN nhỏ và vừa vẫn chưa quan tâm nhiều đến kiến thức pháp luật; thiếu đội ngũ làm công tác HTPL chuyên nghiệp; vai trò của người đại diện pháp luật về các vấn đề pháp lý rất mờ nhạt, chủ yếu giao cho nhân viên phụ trách. Việc này dễ dẫn đến năng lực pháp lý thấp, lúng túng hoặc không biết xử lý khi xảy ra các tranh chấp thương mại, nhất là các tranh chấp thương mại quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vừa và nhỏ.
Để chương trình HTPL cho DN vừa và nhỏ theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24-6-2019 của Chính phủ về HTPL cho DN nhỏ và vừa đạt được kết quả cao hơn, thời gian tới, các ngành chức năng cần xem xét bổ sung các đối tượng DN ưu tiên HTPL; triển khai nhiều hội thảo, tọa đàm, diễn đàn trao đổi, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN; cần có đầu mối tiếp nhận, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của DN; tuyên truyền, giới thiệu, tập huấn kịp thời các chế độ, chính sách, pháp luật đến DN, góp phần nâng cao trình độ pháp luật cho các DN trong triển khai dự án, kế hoạch, ký kết hợp đồng để hạn chế thấp nhất rủi ro, tranh chấp trong sản xuất, kinh doanh.
Thực tế, công tác HTPL, tư vấn pháp luật cho DN đòi hỏi chuyên môn sâu, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là các tổ chức hành nghề luật sư hoặc các trung tâm tư vấn pháp luật đủ điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật. Do đó, thời gian tới, cần phát triển mạng lưới tư vấn viên pháp luật sâu rộng trong các DN vừa và nhỏ để chủ động HTPL, tư vấn pháp luật cho DN hoạt động theo đúng các quy định pháp luật, ngăn ngừa từ sớm các tranh chấp lao động, tranh chấp thương mại. Có như vậy, DN mới yên tâm sản xuất, kinh doanh; tăng năng lực cạnh tranh; phát triển bền vững.