Nâng cao kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho giảng viên, giáo viên
Ngày 24/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tập huấn khám phá và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dự và tham gia lớp học.

Chuyên gia trí tuệ nhân tạo Lê Anh Cường trình bày bài giảng.
Hội thảo tập huấn nằm trong chuỗi bài giảng khám phá và ứng dụng trí tuệ nhân tạo do Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức nhằm hưởng ứng phong trào Bình dân học vụ số.
Trước đó, vào ngày 23/4, lớp tập huấn khám phá và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cơ bản đã được tổ chức với sự tham dự của các học viên đến từ các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.
Mục tiêu của hội thảo tập huấn nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về trí tuệ nhân tạo (AI), cùng các kỹ năng thực tế ứng dụng các công cụ AI vào các tác vụ thường ngày như soạn thảo văn bản, phân tích dữ liệu, tổng hợp thông tin và quản lý công việc.
Khóa tập huấn được thiết kế với phương châm thực hành là trọng tâm, giúp học viên nắm được đại cương lý thuyết và có thể áp dụng ngay các kĩ năng thực hành, thu lượm những kiến thức đã học vào công việc thực tế, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng công việc.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và các học viên tham gia lớp học.
Phát biểu tại hội thảo tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, AI không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một phần hiện hữu trong mọi lĩnh vực đời sống, trong đó có giáo dục. Trí tuệ nhân tạo không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo ra môi trường học tập linh hoạt, cá nhân hóa và hiệu quả hơn.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thực hiện các nhiệm vụ về Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt chính là thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục.
Đó là: Dự đoán nhu cầu công việc của thị trường; xác định tiêu chí đánh giá sinh viên, hỗ trợ sinh viên xác định được thế mạnh việc làm khi tốt nghiệp; tự động hóa quy trình nghiệp vụ của giáo viên; xác định các tiêu chí nhằm đạt mục tiêu học tập; cá nhân hóa việc học tập, nâng cao hiệu quả học tập có sự trợ giúp của giáo viên và trợ giảng ảo; hỗ trợ nâng cao nhận thức của sinh viên...

PGS.TS Lê Anh Cường.
Thứ trưởng cho rằng lớp tập huấn lần này sẽ giúp các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục có kiến thức chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, mở ra những ý tưởng mới góp phần ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong giáo dục hiệu quả, là một dịp quan trọng để các diễn giả, đại biểu làm việc cùng nhau nhằm hiện thực hóa tiềm năng của AI trong giáo dục.
Tại hội thảo, PGS.TS Lê Anh Cường, chuyên gia trí tuệ nhân tạo, giảng viên cao cấp đến từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đã trình bày các bài giảng: Tổng quan về AI và vai trò của AI trong giáo dục; Các kỹ thuật khai thác hiệu quả AI cho công việc; Các kỹ thuật prompting nâng cao và ứng dụng AI vào các bài toán thực tiễn; Tự động hóa quy trình với AI Agents
Các học viên là các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và những người quan tâm đến trí tuệ nhân tạo cũng đã trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả để ứng dụng AI trong công việc một cách thiết thực và bền vững, với nhiều hướng tiếp cận mới nhằm góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc trong thời đại số.