Giáo viên TP.HCM lo đề khảo sát năng lực tiếng Anh khó, Sở GD&ĐT nói gì?
Kết thúc bài khảo sát năng lực tiếng Anh, nhiều giáo viên đánh giá đề quá khó. Họ băn khoăn nếu làm bài không đạt có phải tham gia các lớp bồi dưỡng?.
Sở GD&ĐT TP.HCM đang tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên công lập tại các trường tiểu học, THCS, THPT. Đợt khảo sát kéo dài từ ngày 23-4 đến ngày 29-4.
Nếu khảo sát không đạt, giáo viên có phải học lại?
Mới trải qua hai ngày khảo sát năng lực tiếng Anh nhưng theo đánh giá chung của nhiều giáo viên, đề khảo sát năng lực tiếng Anh không đơn giản.
Một giáo viên bày tỏ: "Bài khảo sát giống y như trình độ của chương trình C1. Đề đọc hiểu rất dài và khó. Bên cạnh đó, hôm qua, tôi làm bài khảo sát trong tình trạng mạng bị lỗi, không truy cập được. Có giáo viên nhận được 4,5 đề thi thậm chí có người nhận đến 11 đề” - cô giáo này nói.
Một thầy giáo khác bộc bạch: “Hoàn thành xong bài khảo sát mướt mồ hôi luôn".
Giáo viên này cho hay nếu bài khảo sát để đánh giá mức độ năng lực tiếng Anh của cán bộ quản lý, giáo viên phục vụ định hướng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là cần thiết, nhưng chỉ là bước đầu của một dự án dài hơi. Còn việc đánh giá đúng năng lực tiếng Anh của giáo viên thì chưa hẳn phù hợp vì không phải giáo viên nào cũng được đào tạo chuẩn tiếng Anh.
Bên cạnh đó, việc khảo sát gấp rút, thời điểm diễn ra đang trong giai đoạn ôn tập cho học sinh kiểm tra cuối năm học nên phần nào cũng ảnh hưởng đến tinh thần các thầy cô.
“Điều khiến tôi lo lắng, nếu bài khảo sát không đạt liệu giáo viên có phải học lại, tự túc kinh phí bồi dưỡng hay không?” - giáo viên này tâm tư.
Cũng theo giáo viên trên, chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là việc cần làm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Bản thân là giáo viên, tôi đồng tình việc này. Tuy nhiên, ngành giáo dục cần thông tin lộ trình cụ thể, đầy đủ để giáo viên được an tâm và toàn tâm với chủ trương, chính sách đã và đang thực hiện” - thầy giáo này bày tỏ.
Sở GD&ĐT TP.HCM phản hồi

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Trao đổi với PLO, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết bài khảo sát năng lực tiếng Anh mang tính tổng thể, với các câu hỏi từ mức độ dễ đến khó.
“Sở GD&ĐT không yêu cầu giáo viên phải hoàn thành bài thi một cách tuyệt đối, cũng không yêu cầu giáo viên phải đạt điểm cao trong bài khảo sát này. Năng lực của giáo viên đến đâu thì đánh giá tới mức độ đó” - ông Minh nói.
Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cũng cho biết trước đó, ngành GD&ĐT TP đã thực hiện khảo sát trình độ giáo viên qua Google form.
Việc khảo sát đã giúp ngành thu thập thông tin, tuy nhiên, nó chưa đủ khoa học để Sở GD&ĐT xây dựng đề án. Bởi việc trả lời còn mang tính chủ quan của giáo viên. Nhiều giáo viên trả lời họ đạt được bằng cấp này, chứng chỉ kia. Nhưng những câu trả lời phía sau, họ lại cho biết không thường xuyên tương tác với tiếng Anh. Vậy trước thực tế trên, việc xây dựng đề án từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai phải triển khai như thế nào, đào tạo nhân sự ra sao cho phù hợp?.
"Do đó, đợt khảo sát lần này nhằm đánh giá một cách tổng thể bức tranh chung về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành. Kết quả sẽ là dữ liệu đầu vào quan trọng và cần thiết để TP và Sở GD&ĐT có cái nhìn thực tế. Kết quả khảo sát sẽ không được công bố cho bất cứ đơn vị nào" - ông Minh nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi, liệu sau cuộc khảo sát này, giáo viên không đạt có phải tham gia các lớp bồi dưỡng tiếng Anh, ông Minh khẳng định kết quả khảo sát chỉ dùng để tham khảo, thống kê.
"Kết quả sẽ là căn cứ để sở từng bước xây dựng kế hoạch cho việc thực hiện đề án. Vì vậy không có khái niệm đạt hay không đạt trong lần khảo sát này. Sau khảo sát, các thầy cô giáo sẽ biết năng lực tiếng Anh của mình đang ở mức nào. Nếu giáo viên có nhu cầu nâng cao trình độ thì tự bồi dưỡng. Hiện, Sở GD&ĐT chưa có kế hoạch về vấn đề này" - ông Minh nêu rõ quan điểm.
Ông Minh cho biết việc khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên chỉ là một phần nhỏ trong một khối lượng công việc đồ sộ để triển khai đề án, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT còn phải thực hiện đánh giá thực trạng năng lực ngoại ngữ của học sinh hiện tại, chương trình tiếng Anh hiện nay, cơ sở vật chất, sự đầu tư của nhà nước vào việc tổ chức hoạt động tiếng Anh. Đó là cơ sở để Sở GD&ĐT hoạch định chiến lược đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai với tầm nhìn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cũng cho biết thêm, hàng năm, Sở GD&ĐT đều thực hiện khảo sát năng lực ngoại ngữ đối với học sinh lớp 9 và lớp 11 để có cái nhìn tổng quan từ đó có chiến lược phù hợp.
“Lâu nay, sở chưa từng khảo sát năng lực giáo viên về trình độ tiếng Anh. Việc khảo sát này sẽ đánh giá xem ngoài giáo viên tiếng Anh thì giáo viên các bộ môn khác trong trường có trình độ ra sao. Bởi khi xây dựng đề án từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai không chỉ có môn học mà còn có các hoạt động giáo dục khác” - ông Minh nói.