Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước

Sáng 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trình bày Tờ trình dự án luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo luật quy định đối tượng áp dụng gồm doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách); cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế, Chính phủ đề xuất trích không quá 50% vào quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, việc quản lý và sử dụng quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại sau khi sử dụng, trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước.

Theo phương án này, ước tính số nộp ngân sách Nhà nước từ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia sẽ giảm khoảng 19.847 tỷ đồng/năm (theo số quyết toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội phê chuẩn với tổng số nộp ngân sách từ cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp là 69.463 tỷ đồng) và doanh nghiệp được sử dụng nguồn này theo quy định của Chính phủ.

Đối với cơ chế chi tiền lương, tiền thưởng của người lao động tại doanh nghiệp, người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, Chính phủ đề xuất không quy định các nội dung về cơ chế chi trả tiền lương tại dự thảo luật và quy định tại điểm 15 Điều 12 “Doanh nghiệp được chi trả tiền lương, tiền công, thù lao cho người lao động theo hiệu quả và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

Lịch làm việc trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Phúc Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-su-dung-von-nha-nuoc-282569.htm
Zalo