Nâng cao hiệu quả phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tăng cường các giải pháp phòng, chống thanh thiếu niên (TTN) vi phạm pháp luật (VPPL). Trong đó, ngành LĐ-TB&XH chủ động phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cảm hóa, giáo dục và dạy nghề, giới thiệu việc làm… giúp nhiều TTN VPPL tiến bộ, góp phần giảm các tệ nạn xã hội tại địa phương.

Người dân tại thị trấn Lai Vung (huyện Lai Vung) tham gia buổi tuyên truyền phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội

Người dân tại thị trấn Lai Vung (huyện Lai Vung) tham gia buổi tuyên truyền phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội

Năm 2024, ngành LĐ-TB&XH quản lý, cảm hóa 112 TTN VPPL và có nguy cơ VPPL. Ngay từ đầu năm 2024, Sở LĐ-TB&XH ban hành Kế hoạch phòng, chống TTN VPPL; lồng ghép nhiệm vụ cảm hóa TTN VPPL vào các kế hoạch phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người. Đồng thời hướng dẫn Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện phối hợp với các đơn vị liên quan cùng cấp rà soát, quản lý TTN VPPL, đề ra giải pháp quản lý và cảm hóa, giáo dục phù hợp.

Đến nay, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy cho TTN VVPL; lồng ghép tuyên truyền trong triển khai Phong trào toàn dân phòng, chống ma túy gắn với Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH phối hợp ngành Công an rà soát, lập danh sách những đối tượng chấp hành xong các quyết định xử lý trở về địa phương và có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế để giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời tuyên truyền, vận động các đối tượng này tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; tìm kiếm cơ hội việc làm tại các phiên Giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức định kỳ hàng tháng...

Tại các địa phương, Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống TTN VPPL theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tại TP Cao Lãnh, từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng LĐ-TB&XH TP Cao Lãnh thường xuyên phối hợp Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công an cùng cấp thành lập các đoàn đến từng gia đình có TTN VPPL để tuyên truyền phụ huynh quan tâm giáo dục con em. Phòng LĐ-TB&XH được giao chỉ tiêu quản lý và cảm hóa 15 TTN VPPL tại địa phương. Qua đó, đơn vị phối hợp các ngành liên quan tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nhằm có biện pháp hỗ trợ TTN VPPL sớm tiến bộ, hòa nhập cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng LĐ-TB&XH TP Cao Lãnh phối hợp cảm hóa, giúp đỡ 7 TTN VPPL tiến bộ.

Ông Lê Nhựt Trường - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Cao Lãnh, cho biết: “Thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH TP Cao Lãnh tiếp tục phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp cảm hóa 8 TTN VPPL đang quản lý. Trong đó, chú trọng công tác phối hợp gặp gỡ, tư vấn, giới thiệu việc làm cho các đối tượng TTN VPPL và TTN có tiền án, tiền sự, tù tha về, chấp hành xong các quyết định xử lý trở về địa phương, góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng, chống TTN VPPL trên địa bàn thành phố”.

Triển khai nhiệm vụ phòng, chống TTN VPPL năm 2024, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hồng Ngự phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền tác hại của ma túy, mại dâm, mua bán người và các hành vi VPPL đến với người dân, trong đó chú trọng nhóm TTN. Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn dân cư và vùng ven biên giới. Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH huyện Hồng Ngự quan tâm cảm hóa, giáo dục 24 TTN VPPL thuộc diện quản lý. Theo bà Huỳnh Thị Giang - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hồng Ngự, thông qua công tác gặp gỡ trực tiếp để nắm bắt các nhu cầu, nguyện vọng của các TTN VPPL và gia đình, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp các đơn vị liên quan giới thiệu cho các TTN VPPL tham gia học nghề tại địa phương và tư vấn giới thiệu việc làm trong, ngoài huyện. Nhờ thực hiện các giải pháp, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 3 TTN VPPL trên địa bàn huyện được hỗ trợ, giúp đỡ tiến bộ; 16 TTN VPPL được đề nghị thanh loại ra khỏi diện quản lý. Hiện, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hồng Ngự đang quản lý, giáo dục, cảm hóa 5 TTN VPPL chưa tiến bộ.

Theo Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2024, số TTN VPPL do ngành LĐ-TB&XH quản lý tiến bộ, có việc làm ổn định đạt gần 40% số đối tượng quản lý. Bên cạnh kết quả đạt được, khó khăn hiện nay là phần lớn TTN VPPL nghiện ma túy, trình độ văn hóa thấp, lười lao động... ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ vốn vay, giới thiệu việc làm. Những tháng cuối năm 2024, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp các ngành liên quan trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống TTN VPPL; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tư vấn giáo dục, định hướng nghề nghiệp, xét cho vay vốn và giới thiệu việc làm. Đồng thời tăng cường huy động, khuyến khích các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đối tượng nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có điều kiện làm ăn ổn định cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống TTN VPPL trên địa bàn tỉnh.

P.L

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/nang-cao-hieu-qua-phong-chong-thanh-thieu-nien-vi-pham-phap-luat-124673.aspx
Zalo