Nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình khó khăn vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Xác định được tầm quan trọng trên, nhiều năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hà Nam đã giải ngân kịp thời nguồn vốn cho các đối tượng vay, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam, tính đến hết tháng 3 năm 2025, tổng nguồn vốn dư nợ của đơn vị đạt hơn 3.548 tỷ đồng, giải ngân cho vay 15 chương trình tín dụng, với hơn 71 nghìn hộ đang sử dụng vốn. Nguồn tín dụng chính sách xã hội tập trung vào các chương trình trọng tâm: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay giải quyết việc làm; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; cho vay người chấp hành xong án phạt tù. Trong thời gian qua, vốn tín dụng CSXH đã góp phần ngăn chặn "tín dụng đen" ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Để có được kết quả trên, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của tỉnh về tín dụng CSXH; ưu tiên, cân đối nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, nâng tỷ trọng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiến tới bằng mức bình quân chung toàn quốc và đến năm 2030 đạt 15% theo Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ sở Giò Hiền thôn Trung Tiến, xã Công Lý (Lý Nhân) sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH đầu tư phát triển sản xuất đem lại hiệu quả cao.
Bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam cho biết: Tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, như: giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; phát triển nhà ở xã hội; giúp cho người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, giúp cho diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc… Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH, ngày 30/10/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH trong giai đoạn mới. Trong đó, yêu cầu: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng CSXH. Qua đó, khẳng định tín dụng CSXH là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng CSXH còn hạn chế so với nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực hiện các chương trình, chính sách; nguồn vốn ngân sách của địa phương đầu tư cho các chương trình tín dụng còn thấp; công tác phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với tín dụng CSXH có lúc, có nơi chưa thật sự gắn kết, chưa đồng bộ; công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện tín dụng CSXH có nơi hiệu quả chưa cao... Nguyên nhân, do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế trong khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng nguồn vốn hiệu quả...
Nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH, thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng CSXH; cần xác định công tác tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030. Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương xây dựng, lồng ghép các chương trình, dự án về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, phát triển nhà ở xã hội… gắn với việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp lực lượng, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với tín dụng CSXH; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn vay, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thuận tiện trong việc vay vốn, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm đúng đối tượng được vay vốn và người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.