Hạn chế thiệt hại, đảm bảo năng suất lúa vụ đông xuân
Trước tình trạng cây trồng vụ đông xuân, nhất là cây lúa bị ngã đổ do thời tiết bất lợi trong mấy ngày vừa qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã nhanh chóng rà soát, kịp thời có phương án khắc phục nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Hướng dẫn bà con chăm sóc lúa
Chủ động khắc phục
Anh Trương Minh Hùng, xã viên thuộc HTX Nông nghiệp An Xuân, xã Quảng An (Quảng Điền) có diện tích lúa vụ đông xuân hơn 2ha. Để đảm bảo chất lượng cho cây trồng, từ đầu vụ đến nay, anh tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và HTX đề ra. Nhờ đó, trong đợt mưa lớn và gió mạnh diễn ra đêm 12 rạng sáng 13/4 vừa qua, diện tích lúa của gia đình anh bị ảnh hưởng ngã đổ chỉ gần 1 sào. Anh Hùng cho biết, ngay sau đợt mưa gió quét qua, anh nhanh chóng cho tháo nước trong đồng ruộng để tránh gây ngập úng, giúp số diện tích lúa bị ngã đổ tự phục hồi.
Cũng là hộ sản xuất lúa có quy mô ở HTX Nông nghiệp An Xuân, anh Trần Đại Thương ở thôn An Xuân Đông, xã Quảng An đưa vào gieo trồng vụ đông xuân này với 5ha. Giống lúa anh Thương chọn là HG224 và JO2. Đây là giống lúa ngắn ngày chất lượng cao. Anh Thương cho hay, nhằm chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi như ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường gây mưa rét, dẫn đến gia tăng tỷ lệ gây hại trên cây lúa, anh đã tiến hành bơm các loại thuốc phòng trừ bệnh và bón phân phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Nhờ vậy, diện tích lúa của gia đình anh phát triển mạnh, ít bị ảnh hưởng, ngã đổ trong đợt mưa gió vừa qua.
Theo ông Trần Quang Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Xuân, trong đợt mưa gió lớn đêm 12 rạng sáng 13/4, toàn bộ diện tích lúa của HTX bị ảnh hưởng, ngã đổ gần 20ha. Tuy nhiên, nhờ thời tiết tạnh ráo trở lại ngay sau đó, cùng với sự tích cực chủ động khắc phục của bà con, nhiều diện tích lúa ngã đổ đã tự phục hồi, hạn chế thiệt hại. Trước diễn biến thời tiết bất lợi, HTX đã hướng dẫn cho bà con các biện pháp phòng ngừa, bón phân qua lá giúp cho cây trồng phục hồi trở lại; đồng thời, nâng mức hoạt động của 2 trạm bơm đạt hết công suất để tiêu úng cho toàn bộ diện tích canh tác hơn 254ha của HTX.
Chỉ tính riêng huyện Quảng Điền, vụ đông xuân này đã duy trì ổn định diện tích lúa khoảng 8.000ha, chiếm khoảng 77% tổng diện tích gieo trồng và phấn đấu đạt năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha. Theo đó, địa phương bố trí thời vụ để lúa trổ từ ngày 10 đến 25/4. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tùy theo điều kiện thực tế để có các biện pháp cụ thể, phù hợp, đáp ứng khung lịch thời vụ đề ra.
Ông Phan Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quảng Điền cho biết, đến thời điểm hiện tại, qua rà soát lại cụ thể diện tích lúa ở Quảng Điền bị ngã đổ do ảnh hưởng mưa lớn và gió mạnh vừa qua là khoảng 80 - 90ha. Con số thiệt hại hàng trăm ha trước đó là thiếu chính xác, do các địa phương báo lên theo hình thức ước lượng, chưa rà soát kỹ. Thứ nữa, nhờ thời tiết nắng ráo trở lại nên phần lớn diện tích lúa ngã đổ đã tự phục hồi.
Đảm bảo năng suất cây trồng
Vụ đông xuân 2024-2025, toàn thành phố đã gieo cấy hơn 27.900ha, diện tích đại trà đang giai đoạn đã trổ hơn 19.000ha. Nhìn chung, lúa sinh trưởng phát triển khá tốt. Để có được kết quả đó, các HTX đã cân đối lượng giống lúa xác nhận, nguyên chủng, sử dụng giống lúa xác nhận để gieo cấy trên 90% diện tích. Đồng thời, quy hoạch vùng trồng để chủ động sản xuất giống lúa tại chỗ đạt trên 30% trong tổng lượng giống xác nhận đưa vào sử dụng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Văn Anh cho biết, trong đợt mưa gió lớn vừa qua, diện tích lúa toàn thành phố bị ảnh hưởng thiệt hại, ngã đổ phân tán khoảng 700ha; trong đó, gần 80ha bị ngã đổ thiệt hại lớn. Hiện, sở đang phối hợp với chính quyền các địa phương chỉ đạo các HTX hướng dẫn cho bà con nông dân dựng lại cây lúa bằng cách buộc số lúa ngã đổ lại thành từng khóm, sau đó bón phân qua lá để giúp cây sinh trưởng tốt và phục hồi, nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Đồng thời, hướng dẫn bà con chăm bón cây lúa đúng quy trình kỹ thuật, khuyến khích nông dân tiếp tục thử nghiệm các loại phân bón tổng hợp hiệu quả cao, ứng dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng tổng hợp (ICM) nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Thường xuyên theo dõi diễn biến bất thường của thời tiết để đưa ra giải pháp kịp thời.
Hiện tại, ngành nông nghiệp và môi trường đang tiến hành kiểm soát, hướng dẫn nông dân điều tiết nước hợp lý, bón phân thúc qua lá đúng thời điểm, cân đối để cây lúa phát triển tốt. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện, theo dõi chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại, diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng trừ kịp thời, không chủ quan để các đối tượng sinh vật gây hại trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ đông xuân.