Nâng cao hiệu quả hợp tác Công an Việt Nam - Lào
Hơn 6 thập kỷ kể từ ngày những cán bộ tình nguyện đầu tiên sang Lào giúp bạn xây dựng lực lượng, Công an nhân dân Việt Nam đã có một hành trình không ngưng nghỉ, kề vai sát cánh với bạn trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước Triệu Voi tươi đẹp, yên bình. Trong khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, quan hệ hợp tác của Công an Việt Nam và Lào ngày càng được củng cố, duy trì, mang lại hiệu quả thiết thực, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Hữu nghị và thủy chung
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”, ngày 22-3-1961, tổ chuyên gia đầu tiên của Bộ Công an Việt Nam đã được cử sang hỗ trợ Cách mạng Lào xây dựng và phát triển lực lượng, đánh dấu sự khởi đầu cho hợp tác giữa công an hai nước. “Từ những ngày đầu tiên, các chuyên gia Việt Nam đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn để hợp tác chặt chẽ với Công an Lào trong công tác xây dựng lực lượng An ninh, Cảnh sát, Hậu cần kỹ thuật và nhiều hợp tác khác, góp phần xây dựng lực lượng Công an Lào ngày càng lớn mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Lào qua các thời kỳ” - Đại tướng Vilay Lakhamphong, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Lào nhiều lần khẳng định như vậy trong các cuộc hội đàm, làm việc với Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam nhân các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao Bộ Công an hai nước.
Từ năm 2020 đến nay, hoạt động hợp tác giữa công an hai nước được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và cấp chuyên viên nhằm tăng cường xây dựng lòng tin về quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Lực lượng An ninh Việt Nam và Lào thường xuyên trao đổi tình hình an ninh thế giới và khu vực, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam và Lào. Qua đó, lực lượng An ninh hai nước chủ động triển khai phòng ngừa từ sớm, từ xa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, buôn bán người, tội phạm kinh tế…
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, đòi hỏi lực lượng công an không chỉ giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ mà còn phải vững về lập trường tư tưởng, chính trị, có khả năng đề kháng cao trước âm mưu phá hoại, chia rẽ quan hệ hợp tác truyền thống giữa công an hai nước, việc xây dựng mới Học viện Chính trị Công an nhân dân Lào là hết sức quan trọng. Với kinh phí hỗ trợ 250 tỉ đồng, Bộ Công an Việt Nam đã làm chủ đầu tư công trình Học viện Chính trị Công an nhân dân Lào.
Chỉ sau 1 năm thi công, cuối tháng 9-2023, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, không chỉ đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng, giảng dạy, học tập với quy mô 150 cán bộ, giáo viên và 1.200 học viên/năm cho Công an nhân dân Lào mà còn là dấu ấn quan trọng trong hợp tác đào tạo, xây dựng lực lượng giữa Bộ Công an hai nước.
Đó là kết quả sau hơn 2 năm triển khai các cam kết đã ký với Bộ Công an Lào trong chuyến thăm tháng 2-2020 của Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam. “Không chỉ góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân Lào ngày càng chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, mà công trình còn là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Công an nói riêng và hai nước Việt Nam và Lào nói chung” - Đại tướng Vilay Lakhamphong nói trong lễ khánh thành Học viện Chính trị Công an nhân dân Lào ngày 26-9-2023.
Ngoài ra, cũng trong nỗ lực thực hiện cam kết của chuyến thăm ấy, tính đến cuối năm 2023, Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng và tặng 244 trụ sở làm việc công an bản cho phía Lào quản lý sử dụng. Trong đó có 28 trụ sở ở các bản phức tạp về an ninh trật tự vùng biên giới Việt Nam - Lào.
Gắn bó mật thiết để cùng phát triển
Chúng tôi còn nhớ mãi chuyến thăm Lào tháng 2-2020, một chuyến thăm khá đặc biệt là khi Bộ trưởng Tô Lâm quyết định “về làng”, trong điều kiện lịch làm việc ở nước ngoài được sắp xếp rất sít sao. Chuyến “về làng” diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng và đoàn cấp cao Bộ Công an Việt Nam hoàn thành cơ bản chương trình tại Thủ đô Viêng Chăn, như: Hội đàm song phương; Kiểm điểm quá trình triển khai kế hoạch hợp tác trong năm và ký kết biên bản hợp tác giữa hai Bộ trong năm tới; Hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Đó là làng Xiềng Vang (huyện Noong Book, tỉnh Khăm Muộn, cách Thủ đô Viêng Chăn gần 400km) nơi có nhiều gia đình Việt kiều sinh sống. Nơi đây, hơn 90 năm trước (1928 - 1929), Bác Hồ đã từ tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) vượt sông Mê Kông về gây dựng cơ sở hoạt động cách mạng. Những người già ở làng Xiềng Vang kể lại, nhờ sự giác ngộ của Bác Hồ mà bà con Việt kiều và người dân địa phương biết sống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Lào và Việt Nam. Người cũng phổ biến kinh nghiệm tổ chức các đoàn thể yêu nước cách mạng tại Lào. Nhiều cán bộ được Bác Hồ giác ngộ, đào tạo đã trở thành lãnh đạo phong trào cách mạng ở nhiều tỉnh, thành phố của Lào…
Xiềng Vang trở thành di tích lịch sử cách mạng mang dấu ấn của Bác Hồ. Tự đáy lòng mình, bà con đã hiến 1,6ha đất để xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, để bây giờ mỗi dịp lễ Tết hay những ngày kỷ niệm lớn, người dân và du khách tham quan đến đây dâng hương, hoa tưởng niệm Người, bày tỏ lòng biết ơn với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người bạn thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
Sau khi dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng tôn kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ luôn dành cho ngành công an sự quan tâm đặc biệt về công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, tinh thần hy sinh quên mình vì sự bình yên của cuộc sống nhân dân, Bộ trưởng Tô Lâm và Đoàn cán bộ Công an nhân dân Việt Nam đã tham quan khu trưng bày hình ảnh, tư liệu sách báo viết về Bác, về quan hệ anh em, đồng chí với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào như Chủ tịch Xuphanouvong, Chủ tịch Kayxon Phomvihane….
Bộ trưởng chăm chú nghe giới thiệu tỉ mỉ từng hình ảnh, hiện vật về Bác, xúc động khi được bà con mời thưởng thức bánh ít lá gai (một sản phẩm làng nghề truyền thống mà người Việt đã mang theo khi di cư sang Lào). Câu chuyện với bà con Việt kiều tại làng Xiềng Vang và tỉnh Khăm Muộn hôm ấy diễn ra rất chân tình, cởi mở. Những phản ánh, kiến nghị của bà con mong được về thăm quê hương, mong có một ngôi trường mới để dạy tiếng Việt cho con em và học sinh Lào tại địa phương đã được Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, phản ánh với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tìm cách giúp đỡ. Và sau đó, trường THCS Thống Nhất đã được lãnh đạo công an và chính quyền tỉnh Quảng Bình xây dựng tại thị xã Thà Khẹt, làm chỗ học tập và dạy tiếng Việt cho con em kiều bào và học sinh Lào ở tỉnh Khăm Muộn.
Phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, trong các cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Công an Lào, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống “cách mạng màu”, “diễn biến hòa bình”… Đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, không để các thế lực thù địch tuyên truyền chống phá quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước cũng như phối hợp đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho các hoạt động trong năm Lào đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2024”.