Nâng cao hiệu quả hệ thống quỹ tín dụng nhân dân
Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ, hoạt động an toàn, hiệu quả, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh góp phần gắn kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Toàn tỉnh có 39 quỹ hoạt động trên địa bàn 77 xã, phường, thị trấn. Tính đến hết tháng 10/2024, tổng nguồn vốn hoạt động của các quỹ trên 8.000 tỷ đồng, bình quân nguồn vốn hoạt động đạt 205 tỷ đồng/quỹ; tổng dư nợ cho vay trên 6.640 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng trên 7.100 tỷ đồng. Các quỹ đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho người dân về mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, qua đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Cùng với đó, để người dân sử dụng đồng vốn hiệu quả, các quỹ tạo điều kiện cho khách hàng về thời gian trả lãi linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục vay, thêm nhiều ưu đãi trong lãi suất tiền gửi và vay vốn.
Thời gian qua, mỗi quỹ đều có chiến lược phát triển thương hiệu, tạo niềm tin, uy tín với khách hàng gửi tiền và thành viên vay vốn. Nhờ tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng các thành viên, hệ thống QTDND đã trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín giúp người dân các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế.QTDND xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, trong quá trình hoạt động, Quỹ tích cực tuyên truyền, áp dụng các kênh huy động vốn đa dạng về thời gian và hình thức gửi tiền, mức lãi suất linh hoạt, phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, Quỹ có trên 700 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động đạt hơn 175 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 800 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Tiến Nam - Giám đốc Quỹ cho biết: “Quỹ cho vay sát với nhu cầu vay vốn, mục đích, chu kỳ sản xuất, kinh doanh của khách hàng, đảm bảo thu nợ kịp thời, hạn chế được rủi ro trong tín dụng. Quỹ cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện thông qua hệ thống CF-eBank của Ngân hàng HTX; đầu tư hệ thống máy tính hiện đại, máy POS để đáp ứng các yêu cầu về giao dịch trên hệ thống số của thành viên. Quỹ còn tích cực tư vấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài chính, sử dụng vốn hiệu quả cho người dân”.
Hòa nhịp cùng xu thế chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, giúp kết nối nông thôn - thành thị, các QTDND trên địa bàn tỉnh đánh dấu sự chuyển mình với một loạt sản phẩm ngân hàng số như: Co-opBank Mobile Banking, thẻ Co-opbank Napas, chuyển khoản nhanh 24/7 tại quầy... 100% các QTDND thực hiện dịch vụ chuyển tiền qua CF-eBank của Ngân hàng HTX. Qua các sản phẩm ngân hàng số hiện đại, các QTDND đã nâng cao uy tín, tăng cường vị thế, đa dạng hóa sản phẩm và đem lại rất nhiều lợi ích cho thành viên. Đây không chỉ là bước tiến trong số hóa dịch vụ tài chính mà còn mở rộng khả năng kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch của người dân.
Hệ thống QTDND vừa là “kênh” cung ứng vốn quan trọng vừa là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương. Thời gian tới, các quỹ tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ tới thành viên để mở rộng tăng trưởng tín dụng phù hợp. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Tích cực hiện đại hóa, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu để triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, ngân hàng số, từng bước cung ứng, phát triển các dịch vụ ngân hàng số phù hợp với điều kiện của QTDND và nhu cầu sử dụng của khách hàng, thành viên trên địa bàn. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số theo chủ trương, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.