Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện tại cơ sở
Trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn coi giám sát, phản biện tại cơ sở là kênh thông tin quan trọng để lãnh đạo thành phố nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân; là tai mắt để quản lý cán bộ, đảng viên.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bình Thạnh giám sát về công tác quản lý, điều hành tại một số phường trên địa bàn.
Ngoài ra, giám sát, phản biện cơ sở còn là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Theo Ban Công tác Mặt trận khu phố 37 (phường An Lạc, quận Bình Tân), khi nhận được thông tin cán bộ tiếp dân của phường An Lạc có thái độ chưa đúng mực trong giải quyết hồ sơ chính sách cho người dân, ngay lập tức, đơn vị này phản ánh lên lãnh đạo phường để chấn chỉnh. Đây là một hình thức giám sát, phản biện đối với cán bộ, đảng viên mà Ban Công tác thực hiện trong thời gian qua.
Còn tại cổng chợ Phước Long B (khu vực giáp ranh giữa phường Phước Long A và Phước Long B) thường xuyên diễn ra việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng dẫn đến tình trạng ùn tắc xảy ra vào giờ cao điểm. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, gây bức xúc cho người dân, nhất là các phụ huynh đưa đón con đi học ở các trường tiểu học gần đó. Thấu hiểu điều này, Ban công tác Mặt trận khu phố 3 (phường Phước Long B) và khu phố 14 và khu phố 15 (phường Phước Long A) đã phản ánh đến lãnh đạo các phường để chấn chỉnh, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; bố trí lực lượng điều tiết giao thông.
Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhiều mô hình về giám sát, phản biện đã được thực hiện hiệu quả. Đơn cử như mô hình “Sổ nhật ký giám sát”; hộp thư “Ý Đảng lòng dân” được đặt tại trụ sở các khu phố, Ủy ban nhân dân phường, phòng cộng đồng các chung cư. Đặc biệt, nhiều địa phương còn xây dựng các ứng dụng trực tuyến để người dân phản ánh các ý kiến, hình ảnh các vụ việc gây bức xúc dư luận. Mỗi năm, Mặt trận các cấp của thành phố đã triển khai hàng trăm cuộc giám sát, phản biện trên nhiều lĩnh vực, vấn đề người dân quan tâm.
Thực tiễn cho thấy, để công tác giám sát, phản biện của Mặt trận các cấp thực hiện hiệu quả vai trò, chức năng của mình, các hoạt động này cần được thực hiện độc lập. Ngoài các cán bộ chuyên trách, cần có những chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giám sát cùng dự để nâng cao chất lượng của các hoạt động giám sát, phản biện. Cùng với đó, các nội dung giám sát cần được thực hiện đúng trọng tâm, sát với thực tiễn, vấn đề người dân quan tâm như đất đai, ô nhiễm môi trường, đầu tư công, văn minh đô thị... Công tác giám sát, phản biện cần có sự thực chất, tránh tình trạng ngại va chạm, nể nang trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác kiểm tra sau mỗi đợt thực hiện giám sát, phản biện; phối hợp tổ chức nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo địa phương với nhân dân để tháo gỡ, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Những vấn đề nêu trên, với quy mô, mức độ khác nhau nhưng đã được giải quyết thấu đáo, cụ thể cho thấy sự tương tác hiệu quả giữa cán bộ Mặt trận và cấp ủy địa phương. Việc giám sát, phản biện tại cơ sở cần được phát huy và duy trì thường xuyên để những tâm tư, bức xúc, ý kiến của các tầng lớp nhân dân sớm được giải quyết, tránh những luồng ý kiến trái chiều trong dư luận ■