Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài

Nhiều giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động bằng phương thức hòa giải và trọng tài tại Việt Nam.

Ông Arun Kumar - Chuyên gia về đối thoại xã hội và Thương lượng tập thể, Chuyên gia ILO tại Bangkok (Thái Lan) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HCMULAW)

Ông Arun Kumar - Chuyên gia về đối thoại xã hội và Thương lượng tập thể, Chuyên gia ILO tại Bangkok (Thái Lan) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HCMULAW)

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài tại Việt Nam” do Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 20/9, thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, với những thay đổi quan trọng trong việc quy định trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động sau 3 năm thực hiện thực hiện Bộ luật Lao động 2019, đội ngũ hòa giải viên lao động và hội đồng trọng tài lao động của các tỉnh thành đã từng bước được kiện toàn và bước đầu cho thấy những hiệu ứng tích cực bên cạnh những hạn chế nhất định.

Do đó, nhu cầu về sự tổng kết đánh giá các hiệu ứng tích cực và chưa tích cực trong việc triển khai các quy định về hòa giải lao động, trọng tài lao động để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình triển khai hiệu quả là cần thiết.

Hội thảo hướng tới nhằm tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, đội ngũ luật sư, hòa giải viên lao động, trọng tài lao động, các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật lao động, các doanh nghiệp, … có thể thảo luận, trao đổi về các nội dung liên quan đến việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia có thể đưa ra những đánh giá đa chiều, đề xuất các giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động bằng các phương thức này.

 TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM. (Ảnh: HCMULAW)

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM. (Ảnh: HCMULAW)

Đại diện ILO, ông Nguyễn Ngọc Triệu - Cán bộ chương trình cấp cao văn phòng ILO tại Việt Nam chia sẻ, các tiêu chuẩn cơ bản thuộc về nguyên tắc lao động chính là những trụ cột chính trong lao động và các cơ chế về giải quyết tranh chấp lao động là thành phần quan trọng trong các tiêu chuẩn cơ bản là trụ cột này.

Ông Arun Kumar - Chuyên gia về đối thoại xã hội và Thương lượng tập thể, Chuyên gia ILO tại Bangkok (Thái Lan) nhận định, việc giải quyết tranh chấp về xung đột lao động tạo ra hệ lụy cho các bên tham gia, ảnh hưởng đến chi phí, năng suất, mối quan hệ và hình ảnh công ty. Vì vậy, rất cần thiết cho việc bảo đảm các tranh chấp phải được xử lý hiệu quả hơn.

Chuyên gia ILO cho biết, phương án tốt nhất để tránh tranh chấp lao động xảy ra trong doanh nghiệp là phải tìm cách ngăn ngừa thông qua đàm phán, thúc đẩy thương lượng tập thể.

Theo đó, các cơ quan chuyên môn về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cần được thiết lập để góp phần thúc đẩy thương lượng tập thể, việc hòa giải hoặc dịch vụ trọng tài có thể là một phần của quá trình thương lượng và các bên phải hoàn toàn tự nguyện.

Đây là cách tốt nhất để điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên, cho phép họ tự điều chỉnh mối quan hệ đó, đưa ra các chính sách thương lượng hòa giải giữa các bên.

 Các chuyên gia tham gia hội thảo. (Ảnh: HCMULAW)

Các chuyên gia tham gia hội thảo. (Ảnh: HCMULAW)

So sánh mô hình hòa giải của Nhật Bản và Hoa Kỳ, TS Lê Thị Thúy Hương - Trường Đại học Luật TPHCM đưa ra một số kiến nghị: chú trọng kết hợp với hoạt động tư vấn cho các bên tranh chấp và xem đây như là một quy trình độc lập trước khi tiến hành hòa giải.

Trọng tài lao động có thể được sử dụng sau bước giải quyết tranh chấp lao động cá nhân do hòa giải viên lao động thực hiện với điều kiện là các bên phải đồng thuận về việc sử dụng trọng tài lao động nhằm mục đích tạo điều kiện cho trọng tài lao động được tham gia vào trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Thay vì trước đây, trọng tài lao động chỉ tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể, từ đó đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động nói chung.

Cần cân nhắc kỹ về việc cho phép sử dụng cơ chế trọng tài bắt buộc ở các thỏa thuận cá nhân nhằm đảm bảo sự công bằng cho các bên nhất là bên người lao động.

 Các chuyên gia tham gia hội thảo. (Ảnh: HCMULAW)

Các chuyên gia tham gia hội thảo. (Ảnh: HCMULAW)

Một số tham luận góp ý về giải quyết tranh chấp lao động thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động đã nêu lên một số điểm bất cập còn tồn tại liên quan đến phương thức giải quyết tranh chấp lao động thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.

Hội thảo cũng tập trung xoáy sâu vào các vấn đề hòa giải viên, trọng tài viên trong tranh chấp lao động, bản chất của các bên tham gia tranh chấp, so sánh giữa tranh chấp thương mai và tranh chấp lao động, đảm bảo sự cân bằng vị thế giữa người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tranh chấp và các xung đột có thể xảy ra trong quá trình hòa giải…

Bằng cách làm rõ các vấn đề còn bất cập trong Bộ luật Lao động, nhiều giải pháp được đề ra nhằm nâng cao hiệu quả của phương thức hòa giải và trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động hiện nay.

Lê Mạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-hieu-qua-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-thong-qua-hoa-giai-va-trong-tai-post701703.html
Zalo