Hiệu quả Chương trình hỗ trợ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tỉnh thực hiện nhất quán các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), với định hướng 'KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế'.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản định hướng, quy định cụ thể hóa các cơ chế, chính sách thúc đẩy hỗ trợ triển khai ứng dụng phát triển các hoạt động KHCN&ĐMST trong các tổ chức, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trong sản xuất và đời sống của nhân dân. Từ năm 2021 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tập trung triển khai hoạt động KHCN&ĐMST, định hướng lấy “DN giữ vai trò là trung tâm” để tập trung chỉ đạo và triển khai bằng nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách, giải pháp, kế hoạch mục tiêu đề án phát triển KHCN&ĐMST để thực hiện.

Hoạt động KH&CN được gắn kết với DN, HTX và với từng sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ được triển khai ứng dụng, mang lại hiệu quả cao; việc hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện và đạt những kết quả bước đầu. Theo đó, 52 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001; 21 đơn vị công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; 84 tổ chức, đơn vị, DN được cấp giấy chứng nhận mã số, mã vạch áp dụng cho sản phẩm hàng hóa do cơ sở sản xuất, phân phối, kinh doanh; 99 tổ chức, DN tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Thực hiện đăng ký và được cấp bằng độc quyền, giấy chứng nhận đăng ký sở hữu công nghiệp, có 293 đơn đăng ký và 149 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Kết quả đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trong năm 2022, 2023 tăng khá cao (gấp 3 lần) so với các năm trong giai đoạn trước (năm 2022 có 41 đơn, năm 2023 có 46 đơn, trong khi trung bình của cả giai đoạn 2010 - 2020 toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 12 đơn/năm).

Dây chuyền chế biến dược liệu cao hà thủ ô đỏ của Công ty TNHH Hatodo. Ảnh: Hoàng Kiều

Dây chuyền chế biến dược liệu cao hà thủ ô đỏ của Công ty TNHH Hatodo. Ảnh: Hoàng Kiều

Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ lĩnh vực KHCN&ĐMST đối với các hoạt động của DN, HTX, trong đó, Chương trình nông thôn, miền núi giai đoạn 2020 - 2023 đã khuyến khích, thu hút 7 tổ chức, DN, HTX tham gia triển khai thực hiện 7 dự án với tổng kinh phí 50,500 triệu đồng. Bên cạnh hỗ trợ DN theo cơ chế, chính sách của nghị quyết HĐND tỉnh, Sở KH&CN hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, DN, HTX tích cực tham gia các hoạt động triển khai nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học hằng năm thông qua các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước cấp tỉnh, cấp cơ sở do tổ chức, DN, HTX trên địa bàn tỉnh do tổ chức, HTX tham gia chủ trì triển khai. Giai đoạn 2021 - 2023 có 3 DN, HTX tham gia thực hiện đề tài, dự án sử dụng ngân sách Nhà nước cấp tỉnh và cấp cơ sở với tổng kinh phí thực hiện 3,250 triệu đồng…

Triển khai hỗ trợ phát triển hoạt động KHCN&ĐMST giai đoạn 2021 - 2030 theo nghị quyết của HĐND tỉnh, đến năm 2023, Sở KH&CN hỗ trợ 25 lượt tổ chức, DN, HTX với tổng kinh phí 627,845 triệu đồng; từ năm 2022 đến nay, Sở KH&CN tham mưu trình UBND tỉnh đặt hàng triển khai thực hiện 5 dự án thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ với tổng kinh phí trên 3 tỷ 407 triệu đồng và 2 nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí thực hiện trên 2 tỷ 124 triệu đồng…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình hỗ trợ về KHCN&ĐMST đối với các DN, HTX, tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thiết thực, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển về thúc đẩy phát triển hoạt động KHCN&ĐMST trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, DN, HTX; xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai các chương trình, nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm; thiết lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, phát triển giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa của địa phương; xây dựng, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy gắn kết DN với các viện nghiên cứu, trường đại học; tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy phát triển DN KH&CN; hỗ trợ, hướng dẫn thành lập quỹ phát triển KH&CN trong DN; tham mưu tổ chức triển khai các chương trình, nhiệm vụ KH&CN từ cấp Trung ương đến địa phương…

Đinh Tâm

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hieu-qua-chuong-trinh-ho-tro-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-3173443.html
Zalo