Doanh nghiệp với áp lực chuyển đổi kép

Tại Hội thảo 'Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn' do Báo Đầu tư vừa tổ chức, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, Việt Nam đang nổi lên như là một nhân tố năng động trong nền kinh tế toàn cầu, với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, mà còn là chiến lược quan trọng cho sự phát triển bền vững nền kinh tế.

Xu hướng doanh nghiệp cần nắm bắt

Hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh hiện nay, hay còn gọi là chuyển đổi kép, đang mở ra cơ hội to lớn, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp hướng tới mô hình kinh doanh bền vững. Các doanh nghiệp lớn cần tiên phong và tích cực trong quá trình này.

Ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh thêm, các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Craig Richard Bradshaw - Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials (MHT) cho biết, tại MHT, phát triển bền vững được thể hiện qua nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường bằng những sáng kiến thiết thực và lâu dài, như xây dựng các nhà máy xanh. Bằng cách áp dụng nghiêm túc mô hình 3R, MHT không chỉ giảm thiểu lượng rác thải mà còn tối ưu hóa hiệu quả sản xuất. Từ việc tái chế hơn 30% rác thải thành sản phẩm mới, tuần hoàn nước thải, cho đến việc giảm thiểu lượng khí thải carbon, mọi hoạt động tại công ty đều hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Công ty còn tiên phong thực thi các sáng kiến trung hòa các bon, giảm thiểu phát thải và tối ưu hóa nguồn tài nguyên như thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại HEINEKEN Việt Nam cho biết, chiến lược cung ứng của công ty hiện đang tập trung vào việc hợp tác và hỗ trợ nhà cung cấp xây dựng lộ trình giảm phát thải, từ đó góp phần giảm phát thải. "Chúng tôi đã triển khai chương trình với 50 nhà cung cấp lớn nhất, chiếm 80% lượng khí thải liên quan đến bao bì để đặt ra các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học. Với bao bì, chúng tôi tái sử dụng đến 97% chai thủy tinh và 99% két nhựa. Với lon nhôm và thùng carton, chúng tôi đang hợp tác với các nhà cung cấp, nhà tái chế cho các dự án “từ lon nhôm ra lon nhôm” và “từ carton ra carton”. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến trong khâu bao bì, tăng cường sử dụng vật liệu tái chế và tăng cường thu hồi tái sử dụng", bà Ánh chia sẻ.

Xu hướng chuyển đổi kép là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt

Xu hướng chuyển đổi kép là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt

Thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo bà Lê Minh Trang - Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ), các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi kép hướng đến tương lai bền vững. Một trong số đó là thiếu công nghệ để triển khai các giải pháp bền vững, dẫn đến việc không thể tận dụng lợi ích từ các đổi mới.

"Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao là một rào cản đáng kể, việc áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững thường yêu cầu đầu tư ban đầu lớn, làm tăng chi phí hoạt động. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn lực và chuyên môn, nhiều doanh nghiệp không thể xác định chính xác đâu là yếu tố cần tập trung để tối ưu hóa hiệu suất bền vững", bà Trang chia sẻ.

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc - Trưởng phòng Phát triển bao trùm UNDP tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp lớn thường sẽ có khả năng tiếp cận nhanh hơn và chuyển từ nhận thức thành hành động một cách rõ ràng hơn. Trong khi các công ty nhỏ và vừa thì đa phần mới ở nhận thức, chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt. Còn nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hay khối kinh doanh như các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thì gần như chưa có nhận thức, hay có các hành động thay đổi hướng tới chuyển đổi kép.

Với thực tế 98% doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm nhỏ và vừa, trong đó 20% do phụ nữ làm chủ, bà Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng hành cùng các doanh nghiệp này trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Việc đảm bảo rằng các doanh nghiệp này, đặc biệt là những doanh nghiệp do các nhóm yếu thế làm chủ, không bị bỏ lại phía sau là một nhiệm vụ cấp bách.

Cùng với đó, việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kết hợp cả bán hàng trực tiếp và trực tuyến đòi hỏi sự điều chỉnh kỹ lưỡng. Nếu không, có thể gây ra tác dụng ngược. Các chương trình đào tạo cần bổ sung thêm giai đoạn hỗ trợ thực tế, kéo dài từ 3 đến 6 tháng, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Lê Việt Anh cho rằng, việc triển khai chuyển đổi “kép” cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Việc triển khai chuyển đổi “kép” cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-voi-ap-luc-chuyen-doi-kep-157740.html
Zalo