Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới
Tuyên truyền miệng (TTM) là nhiệm vụ quan trọng, được xem như “sợi dây” nối liền giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; giữa T.Ư, địa phương với cơ sở. Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao công tác TTM trong tình hình mới, cấp ủy, tổ chức Đảng, MTTQ đang tập trung nâng cao hiệu quả, phát huy ưu thế của phương thức tuyên truyền này.

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Hữu Vinh (thứ 2 bên phải) nắm bắt tình hình, vận động người dân không theo tà đạo "San sư khẻ tọ".
Xác định TTM góp phần phổ biến chủ trương của Đảng, định hướng thông tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và động viên Nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; ngành Tuyên giáo và Dân vận tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hội nghị báo cáo viên (BCV) các cấp gắn với đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền của đội ngũ BCV, tuyên truyền viên (TTV). Hàng năm, các hội nghị BCV được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến; các chuyên đề thông tin đảm bảo thời sự, gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư và những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước. Qua đó, kịp thời định hướng các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực, tạo sự xuyên suốt trong công tác chỉ đạo tuyên truyền từ T.Ư đến cơ sở.
Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ BCV, TTV; triển khai hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch phát huy ưu thế của TTM, nhất là tại các địa phương vùng sâu, xa. Đồng thời, triển khai các giải pháp, cách làm mới về nội dung, phương thức TTM, nổi bật là hoạt động sinh hoạt chuyên đề, tạo kho thư viện điện tử, cung cấp tài liệu, xây dựng tủ sách xã, phường, thị trấn... phục vụ công tác TTM ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng nâng cao chất lượng tuyên truyền, sinh hoạt tư tưởng tại các buổi sinh hoạt chi bộ trong toàn Đảng bộ. Thường xuyên tổ chức tọa đàm, hội thảo nhằm nâng cao việc quán triệt, triển khai thực hiện quan điểm của Đảng về các vấn đề quan trọng hiện nay.

Kịp thời cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thông qua các Hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 5 BCV cấp T.Ư, 42 BCV cấp tỉnh, 363 cấp huyện và trên 4.200 TTV cơ sở. Chế độ cung cấp thông tin, trang bị phương tiện làm việc, chế độ, chính sách được thực hiện tốt đã khuyến khích đội ngũ BCV, TTV phát huy trách nhiệm và sâu sát cơ sở. Nhằm thúc đẩy hoạt động TTM, cấp ủy các cấp tiếp tục triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp số 08 về hoạt động BCV, TTV, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, nhiệm vụ. Đối với công tác TTM tại cơ sở, tiến hành khảo sát thực trạng BCV, TTV và hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, qua khảo sát kỹ lưỡng, công tác thông tin, truyền thông chính sách ở cơ sở, nhận thấy rõ một số điểm nghẽn cần khắc phục. Trên cơ sở đó, năm 2024, ngành Tuyên giáo đã xây dựng, ban hành Hướng dẫn số 26 về thí điểm thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ TTV nòng cốt ở cơ sở nhằm bố trí, xây dựng lại một cách hệ thống, gắn với chức danh để tổ chức TTM khoa học, rõ ràng. Hiện đã có 11 Đảng ủy xã, thị trấn tại 8 huyện, thành phố thực hiện thí điểm; trong đó, lựa chọn 120 đồng chí làm TTV nòng cốt của Đảng ở cơ sở gắn với chức danh.
Xác định rõ trách nhiệm của mình, đội ngũ BCV, TTV từ tỉnh đến cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phương pháp TTM hiệu quả. Với ưu điểm giao tiếp trực tiếp với cán bộ, đảng viên, đội ngũ này đã nắm bắt tình hình tư tưởng, thái độ, nguyện vọng, nhu cầu; từ đó, phổ biến, đưa các chính sách vào thực tiễn. Trước nhu cầu thông tin ngày càng cao, cùng với sử dụng phương thức truyền thống, công tác TTM cần tận dụng, kết hợp các loại hình truyền thông khác để truyền tải, lan tỏa thông tin. Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 30, ngày 5.2.2024 của Ban Bí thư về công tác TTM trong tình hình mới. Trong đó tập trung tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, xác định hoạt động chủ yếu đối với đội ngũ BCV, TTV; đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả loại hình TTM, hướng mạnh về cơ sở.