Nâng cao hiệu quả, bảo đảm sức sống của pháp luật
Hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật...
Ngày 17/12/2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2025.
QUÁN TRIỆT 5 KẾT LUẬN CỦA TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã quán triệt Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp. Cụ thể:
Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, bắt đầu từ việc mới tư duy. Đồng chí Tổng Bí thư kết luận một số định hướng đổi mới xây dựng pháp luật, trong đó đáng chú ý là chỉ đạo “Nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất”.
Theo đó, Bộ Tư pháp cần sớm tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật.
Thứ hai, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật, “Phải coi việc lãnh đạo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi đảng viên, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong Bộ, ngành Tư pháp”.
Kết luận này đặt ra yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận về tổ chức thi hành các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là việc phải thể chế hóa được thành pháp luật; công tác xây dựng pháp luật cần được bắt đầu, được bám sát để thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, đồng chí Tổng Bí thư kết luận nhiều nội dung, trong đó có tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp; thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế hữu hiệu để chủ động phát hiện, tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật; Hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật. Đồng chí Tổng Bí thư kết luận một số nội dung, trong đó đáng chú ý là: “Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật”. Các cơ quan pháp luật và tư pháp đang nỗ lực phát triển công nghệ, chuyển đổi số, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công tác pháp luật.
Ngoài ra, trong Thông báo số 108-TB/VPTW, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo “Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp đi địa phương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn. Các cấp ủy địa phương quan tâm phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu Giám đốc Sở Tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh”.
Thứ năm, xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải: “Nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tham gia xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế, nâng cao trách nhiệm phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước Việt Nam”.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2025
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2025, bên cạnh, việc thực hiện các giải pháp mang tính chất thường xuyên, Bộ, ngành Tư pháp xác định một số giải pháp chủ yếu, phù hợp với bối cảnh năm 2025. Cụ thể:
- Tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội năm 2025.
- Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý; có cơ chế thu hút nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao về làm việc tại Bộ, ngành Tư pháp.
- Chủ động hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; điều chỉnh linh hoạt việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
- Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, nhất là các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; kịp thời chia sẻ, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
- Tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời báo cáo, tham mưu các giải pháp đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.