Nâng cao giá trị sản xuất và phát triển kinh tế rừng bền vững

Ngày 30/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững rừng sản xuất là rừng trồng trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ngày 30/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững rừng sản xuất là rừng trồng trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Sơn hỗ trợ người dân đưa vào trồng giống keo lai cấy mô nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng bền vững.

Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Sơn hỗ trợ người dân đưa vào trồng giống keo lai cấy mô nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng bền vững.

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TU, mục tiêu đến năm 2025 tỉnh duy trì độ che phủ rừng hàng năm trên 50%; có 3.000 ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; 6.000 ha trồng mới, thâm canh và trồng rừng gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao. 50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Năng suất rừng trồng tăng lên 1,3 lần; sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn; giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần; đóng góp 16% tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản.

Thực hiện mục tiêu đó, trong những năm qua, tỉnh tập trung triển khai thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chế biến gỗ rừng trồng; thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp. Khuyến khích liên doanh liên kết, trao đổi, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng rừng, đất rừng nhằm thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ đất lâm nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất có quy mô lớn. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh để triển khai thực hiện nghị quyết.

Lạc Thủy có thể nói là một trong những huyện phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả. Diện tích trồng rừng hàng năm từ 850 - 900 ha theo hướng thâm canh, trong đó trồng rừng gỗ lớn chiếm 54% diện tích. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Thủy cho biết: Huyện đã hoàn thành rà soát, điều chỉnh và ban hành quy hoạch 3 loại rừng. Đây là cơ sở cho việc quản lý, sản xuất rừng ổn định, lâu dài. Ngoài ra, huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng. Để nâng cao giá trị kinh tế rừng, huyện tiến hành trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ, rừng sản xuất bằng cây gỗ lớn, cây đa mục đích; có sự kết hợp kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng. Bình quân mỗi năm toàn huyện trồng được trên 900 ha, chủ yếu là rừng sản xuất, với loài cây keo tai tượng thực sinh chiếm trên 90%. Mặc dù diện tích không tăng nhưng chất lượng rừng ngày một tăng lên do chất lượng giống dần được kiểm soát. Hiện tượng khai thác rừng non cũng giảm dần, mô hình kinh doanh gỗ lớn dần được quan tâm phát triển. Gắn với trồng rừng, trên địa bàn huyện hiện có gần 20 cơ sở chế biến gỗ. Qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cũng như Lạc Thủy, huyện Mai Châu đang tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển rừng đa mục tiêu và phát huy giá trị đa dụng của rừng. Diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp huyện Mai Châu trên 43.816 ha, trong đó quy hoạch rừng đặc dụng trên 5.314 ha, quy hoạch rừng phòng hộ trên 21.195 ha, quy hoạch rừng sản xuất trên 17.305 ha. Theo đồng chí Bùi Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu, nhằm phát huy giá trị rừng, huyện tập trung phát triển kinh tế dưới tán rừng dựa trên 2 đối tượng là rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Do còn nhiều vướng mắc về cơ chế, huyện chủ yếu thực hiện đối với rừng sản xuất. Theo đó, đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất gỗ và đưa vào trồng thử nghiệm một số loại dược liệu dưới tán rừng tại một số địa bàn có diện tích rừng trồng lớn.

Toàn tỉnh hiện có trên 467 nghìn ha rừng tự nhiên. Năm 2024, giá trị sản xuất theo giá so sánh ước đạt 1,32 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ; đồng thời các mặt công tác trong lĩnh vực góp phần thực hiện mục tiêu về tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,61%. Trong năm trồng 9,07 nghìn ha rừng tập trung, đạt 164% kế hoạch (5,55 nghìn ha) và gần 1,2 triệu cây phân tán, đạt 132% kế hoạch (1.197.740 cây). Tỉnh đã phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, góp phần tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.

Phương Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/197402/nang-cao-gia-tri-san-xuat-va-phat-trien-kinh-te-rung-ben-vung.htm
Zalo