Nâng cao công tác phân loại chất thải rắn
Công tác phân loại chất thải rắn (CTR) tại An Giang đang đối mặt với nhiều thách thức, dù đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ phân loại CTR tại nguồn còn thấp do thói quen và nhận thức chưa đầy đủ của người dân.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng cho việc phân loại, thu gom và xử lý CTR còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phân loại CTR chưa hiệu quả, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi vi phạm. Để nâng cao hiệu quả công tác phân loại CTR, cần phải thực hiện một loạt giải pháp đồng bộ.
Đầu tháng 1/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức chủ trì buổi khảo sát, làm việc về tình hình xử lý chất thải rắn tại các bãi chôn lấp và Nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác tiến hành khảo sát thực tế tại các điểm thu gom, xử lý rác thải, như: Bãi rác thị trấn Mỹ Luông, nhà máy xử lý chất thải rắn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới); bãi rác Phú Thạnh (huyện Phú Tân); bãi rác Kênh 10 (TP. Châu Đốc); bãi rác An Cư (TX. Tịnh Biên); bãi rác An Tức (huyện Tri Tôn); khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Hòa (huyện Châu Thành).
Ghi nhận tại Khu xử lý rác thải Phú Thạnh (Phú Tân), nơi đây tiếp nhận, xử lý rác trên địa bàn huyện Phú Tân và TX. Tân Châu trung bình khoảng 130 tấn/ngày. Khu xử lý có 2 ô chôn lấp. Ô chôn lấp số 1 đã quá tải gần 200%; ô chôn lấp số 2 đang thi công, tháng 3/2025 bắt đầu tiếp nhận rác.
Dự án đầu tư mới hạ tầng kỹ thuật Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý rác thải Phú Thạnh, Phú Tân (công suất xử lý 200 tấn/ngày) đang được trình Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Tổng diện tích dự án khoảng 4,8ha (đất công do UBND huyện Phú Tân quản lý). Đầu tư cơ sở hạ tầng, gồm: San lấp mặt bằng, đầu tư đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống cấp điện (trạm biến áp) trên phần diện tích 2ha; bãi chôn lấp tro xỉ và bãi chứa rác trước khi đốt trên phần diện tích 2,8ha; nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh.

UBND tỉnh khảo sát, làm việc về tình hình xử lý chất thải rắn
Khu xử lý Kênh 10 tiếp nhận rác trên địa bàn TP. Châu Đốc và huyện An Phú, lượng rác tiếp nhận khoảng 161,5 tấn/ngày. Hiện nay, UBND tỉnh có chủ trương giao UBND TP. Châu Đốc cải tạo ô chôn lấp hợp vệ sinh số 2 để duy trì tiếp nhận rác đến năm 2028 (khi nhà máy xử lý rác tập trung của tỉnh tại Bình Hòa đi vào hoạt động).
Khảo sát tại bãi rác An Cư, lượng rác nơi đây tiếp nhận khoảng 56,7 tấn/ngày. Bãi rác này có thân đê được xây dựng bằng cát, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa, chảy tràn qua Nhà máy Điện mặt trời Văn Giáo 1. UBND TX. Tịnh Biên xây dựng phương án cải tạo mặt bằng, gia cố đê bao xung quanh các ô chôn lấp để duy trì tiếp nhận rác trên địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, UBND thị xã bổ sung diện tích 25ha (vị trí tiếp giáp với bãi rác An Cư) vào quy hoạch sử dụng đất, phục vụ định hướng phát triển và quy hoạch xử lý rác của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai hiệu quả Kế hoạch 752/KH-UBND, ngày 31/7/2024 của UBND tỉnh về Kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn giai đoạn 2025 - 2030, nhằm giảm khối lượng rác thải phát sinh, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong hoạt động xử lý; tăng khả năng tái sử dụng chất thải; tăng cường tuyên truyền, thực hiện quyết liệt, đồng bộ giải pháp để giảm phát thải chất thải nhựa, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Sở, ngành liên quan, địa phương tăng cường giám sát thực trạng hoạt động tại các cụm xử lý rác trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt việc xử lý CTR sinh hoạt theo phương thức chôn lấp hợp vệ sinh, thiết lập mạng lưới cơ sở xử lý CTR tập trung theo hướng liên vùng với công nghệ phù hợp (phải có nhà máy xử lý CTR sinh hoạt xử lý bằng công nghệ hiện đại, tiên tiến).
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn theo quy định tại Khoản 1, Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu năm 2025, tất cả huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế CTR sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. 100% hộ dân và cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn theo quy định (tỷ lệ CTR sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt tỷ lệ từ 90%; tỷ lệ CTR sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ CTR sinh hoạt được tái chế đạt trên 85%...).
Để thực hiện các giải pháp này, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của sở, ban, ngành liên quan, sự tham gia tích cực của người dân, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Có như vậy, công tác phân loại CTR tại An Giang mới thực sự hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.