Nâng cao công tác cải cách thể chế và hiệu quả thi hành pháp luật tại Hà Tĩnh
Các đại biểu Hà Tĩnh đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến chất lượng nhằm nâng cao công tác cải cách thể chế và hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn.
Chiều 28/4, Sở Tư pháp tổ chức tọa đàm về công tác cải cách thể chế và đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Văn Hồng chủ trì hội nghị.
Xác định tầm quan trọng của cải cách thể chế, UBND tỉnh đã ban hành các tiêu chí thành phần về công tác cải cách thể chế để làm cơ sở xem xét, đánh giá mức độ thực hiện công tác này. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, công tác CCHC nói chung, cải cách thể chế nói riêng của tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, cải cách thể chế vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Nội dung về cải cách thể chế trong Bộ Chỉ số CCHC được xây dựng gồm 9 tiêu chí cụ thể là: Rà soát nội dung giao HĐND, UBND tỉnh quy định chi tiết tại các văn bản Trung ương; mức độ hoàn thành tham mưu xây dựng văn bản QPPL; chất lượng dự thảo văn bản QPPL; thực hiện quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL; công tác tham gia góp ý các dự thảo văn bản QPPL được lấy ý kiến; thực hiện báo cáo về chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật; kiểm tra, tự kiểm tra và xử lý các vấn đề phát hiện qua việc kiểm tra, tự kiểm tra văn bản QPPL; rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; tổ chức thực hiện các văn bản QPPL của cơ quan cấp trên, cơ quan cùng cấp ban hành.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế của từng đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các tiêu chí của lĩnh vực thể chế tại Bộ Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Đồng thời, đề xuất các ý kiến nhằm nâng cao công tác cải cách thể chế trên tất cả lĩnh vực.

Trưởng phòng Tư pháp UBND thị xã Hồng Lĩnh Lê Hồng Hạnh đề xuất các ý kiến nhằm nâng cao công tác xây dựng văn bản QPPL trong tình hình mới.
Đối với công tác xây dựng văn bản QPPL trong tình hình mới, đặc biệt khi tổ chức hành chính cấp huyện có thể thay đổi, đại biểu cho rằng, cần có hướng dẫn về việc xử lý các văn bản QPPL đã ban hành nhưng không còn phù hợp do thay đổi mô hình tổ chức hành chính; UBND tỉnh cần sớm xây dựng quy trình mẫu về văn bản QPPL liên quan đến tổ chức, bộ máy và chức năng nhiệm vụ của cấp xã; tăng cường năng lực dự báo, phân tích chính sách cho cán bộ pháp chế các cấp; đẩy mạnh trao đổi thông tin, phản hồi chính sách hai chiều giữa địa phương và cấp tỉnh, Trung ương để đảm bảo văn bản ban hành có tính ổn định và khả thi cao...

Phó Giám đốc Sở KH&CN Bùi Phong An đề xuất các ý kiến nhằm tham mưu thực hiện tốt Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành.
Đại biểu cũng đề xuất các ý kiến nhằm tham mưu thực hiện tốt Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành. Theo đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến luật đến tận người dân; đề cao vai trò của thủ trưởng các cơ quan có trách nhiệm tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; bố trí công chức có kiến thức chuyên môn, năng lực để tham gia công tác xây dựng văn bản QPPL...
Một số ý kiến cũng đề cập tới định hướng tạo đột phá, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như: việc ban hành chính sách mới phải gắn với vai trò, trách nhiệm, sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương vào quá trình tham mưu và thực hiện; nghiên cứu, bổ sung đối với những nhóm chính sách mới nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra...
Ngoài ra, đại biểu cũng tập trung thảo luận về vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2025 và các nghị định hướng dẫn thi hành; kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPLL ở cấp xã trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Hải Giang - Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL (Sở Tư pháp) làm rõ thêm các nội dung đại biểu quan tâm.
Kết thúc tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Văn Hồng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực cho công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2025 và các nghị định hướng dẫn thi hành; thường xuyên rà soát VBQPPL, xác định rõ những văn bản, quy định không còn phù hợp để kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định.
Tổ chức tuyên truyền các văn bản của Trung ương, của tỉnh mới ban hành. Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản QPPL; tăng cường công tác chuyển đổi số trong PBGDPL...