Nâng cao chất lượng vật liệu xây dựng sẽ giảm thiệt hại cho các công trình

Việc sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) không đảm bảo chất lượng, không chỉ làm giảm tuổi thọ mà còn gia tăng chi phí bảo dưỡng cho các công trình xây dựng, có thể chiếm tới 50% chi phí ban đầu.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 10/2020/TT-BXD, có hiệu lực từ ngày 16/12/2024 sẽ giải quyết những vấn đề mấu chốt nêu trên. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng).

Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành.

Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành.

Xin ông cho biết tình hình hoạt động của các DN VLXD trong thời gian gần đây?

- Khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, Bộ Xây dựng nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh từ các Hiệp hội và DN VLXD, chủ yếu xoay quanh vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong ngành, đặc biệt là sự lẫn lộn giữa những sản phẩm kém chất lượng. Ví dụ, trong ngành xi măng, một số cơ sở sản xuất chưa đủ năng lực về trang thiết bị và nhân lực nhưng vẫn đưa ra thị trường những sản phẩm có tên gọi, nhãn mác gần giống với sản phẩm chất lượng cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng, nhà thầu và nhà đầu tư khi lựa chọn sản phẩm cho công trình.

Ngoài ra, có hiện tượng các công trình sử dụng sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng chất lượng kiểm soát chưa tốt, gây khó khăn cho việc đảm bảo chất lượng công trình theo thời gian.

Trước tình hình đó, Thông tư 10/2024/TT-BXXD đã đưa ra những giải pháp để phân loại, phân nhóm chất lượng sản phẩm VLXD, đảm bảo công trình và cuộc sống người dân sử dụng vật liệu an toàn và chất lượng.

Có số liệu nào về thiệt hại nếu không có Thông tư 10/2924/TT-BXD đối với ngành vật liệu xây dựng không, thưa ông?

- Các vật liệu chủ lực như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng nếu không được kiểm soát chất lượng có thể gây thiệt hại cho ngành xây dựng. Ví dụ, những công trình sử dụng vật liệu không đạt chất lượng có thể phải sửa chữa, bảo trì sau một thời gian, tốn kém chi phí lên đến 10 - 15% giá trị công trình. Trong khi VLXD chiếm khoảng 60 - 70% chi phí công trình, nếu vật liệu không đảm bảo chất lượng, chi phí sửa chữa, thay thế có thể lên tới 50% giá trị vật liệu ban đầu.

Sử dụng VLXD đảm bảo chất lượng giúp nâng cao tuổi thọ và giảm chi phí cho các công trình xây dựng.

Sử dụng VLXD đảm bảo chất lượng giúp nâng cao tuổi thọ và giảm chi phí cho các công trình xây dựng.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nhưng lợi ích mà Thông tư 10/2024/TT-BXD sẽ mang lại cho người tiêu dùng?

- Sau khi Thông tư 10/2024/TT-BXD được ban hành, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi lớn trong việc lựa chọn sản phẩm chất lượng. Theo đó, tất cả các sản phẩm hàng hóa trên thị trường phải công bố rõ ràng về chất lượng. Đặc biệt, sản phẩm thuộc nhóm 2 phải có giấy chứng nhận hợp quy, đảm bảo đáp ứng những quy chuẩn chất lượng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận hợp quy và thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để yên tâm sử dụng. Sản phẩm nào không có giấy chứng nhận hợp quy hoặc không công bố tiêu chuẩn sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường, giúp người tiêu dùng tránh được những sản phẩm kém chất lượng.

Vậy làm thế nào để người tiêu dùng xác minh chất lượng sản phẩm khi đi mua VLXD?

- Khi đi mua VLXD, người tiêu dùng cần quan tâm đến ba yếu tố chính: nguồn gốc xuất xứ; giấy chứng nhận hợp quy; và công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Các cơ sở kinh doanh phải cung cấp thông tin đầy đủ về ba yếu tố này.

Ví dụ, nếu sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản, phải có chứng nhận của đơn vị đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam. Đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, người tiêu dùng cần kiểm tra giấy chứng nhận hợp quy để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng. Sau khi Thông tư 10/2024/TT-BXD được ban hành, các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt và cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng sản phẩm, nếu không sẽ bị xử lý vi phạm.

Người tiêu dùng có thể xác minh sản phẩm một cách nhanh chóng không, thưa ông?

- Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Người tiêu dùng có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin về nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận hợp quy và công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Các cửa hàng VLXD phải cung cấp đầy đủ thông tin này theo quy định pháp luật.

Người tiêu dùng cũng có thể sử dụng các công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm như mã QR để kiểm tra thông tin về sản phẩm trước khi quyết định mua.

Nếu trong trường hợp vi phạm thì các đơn vị sẽ bị xử phạt như thế nào?

- Những đơn vị vi phạm sẽ bị xử phạt theo mức độ vi phạm. Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, bao gồm cả những vi phạm về chất lượng sản phẩm vật VLXD. Những cơ sở không thực hiện công bố chất lượng, không cung cấp giấy chứng nhận hợp quy, hoặc không tuân thủ các quy chuẩn sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Doãn Thành thực hiện

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-cao-chat-luong-vat-lieu-xay-dung-se-giam-thiet-hai-cho-cac-cong-trinh.html
Zalo