Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho người khuyết tật
Với mục tiêu phát triển toàn diện hệ thống phục hồi chức năng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, tỉnh Gia Lai đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện chính sách đến đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Trong những năm gần đây, hệ thống y tế Gia Lai đã được cải thiện đáng kể về chất lượng. Hiện nay, tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, cùng với các đơn vị chuyên môn như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định Y khoa và Trung tâm Pháp y. Tuyến huyện có 17 Trung tâm y tế và 220 trạm y tế. Tổng số giường bệnh toàn tỉnh đạt 4.190 giường, với tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 8,4 và giường bệnh/vạn dân đạt 27.
Gia Lai là một trong những tỉnh có tỷ lệ người khuyết tật cao với khoảng 22.610 người. Trong đó, người khuyết tật vận động chiếm số lượng lớn nhất với 7.762 người, tiếp đến là khuyết tật thần kinh với 3.613 người, khuyết tật trí tuệ 2.206 người, khuyết tật nghe nói 1.618 người và khuyết tật nhìn 1.186 người. Nguyên nhân gây khuyết tật chủ yếu đến từ di chứng của bệnh tật, bẩm sinh, hậu quả chiến tranh, di chứng tai nạn lao động, tai nạn giao thông và các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Qua triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tại tuyến tỉnh, Bệnh viện YDCT-PHCN tỉnh được thành lập với quy mô 130 giường bệnh và một khoa PHCN của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang hoạt động hiệu quả. Tại tuyến huyện, mặc dù hầu hết các Trung tâm Y tế chưa thành lập Khoa PHCN độc lập, nhưng đã có 13 đơn vị thành lập được Tổ/đơn nguyên PHCN lồng ghép trong khoa YHCT-PHCN.
Việc thành lập các khoa YHCT - PHCN tại các bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế đã góp phần tăng tỷ lệ người bệnh được điều trị bằng y học cổ truyền và phục hồi chức năng. Các đơn vị đã được trang bị cơ bản các thiết bị cần thiết như đèn hồng ngoại, máy điện châm, và các máy chuyên ngành vật lý trị liệu - phục hồi chức năng như siêu âm, sóng ngắn, từ trường.
Tuy nhiên, công tác phục hồi chức năng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc triển khai Luật Người khuyết tật chưa đồng bộ đến các cấp, các ban ngành. Công tác tuyên truyền tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thường chỉ dừng lại ở việc đưa tin về các hoạt động tặng quà nhân dịp lễ tết. Nhiều quy định về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật chưa được thực hiện đầy đủ.
Nguồn kinh phí hoạt động chương trình quản lý sức khỏe và phục hồi chức năng người khuyết tật còn rất hạn hẹp. Cán bộ làm công tác PHCN chưa đảm bảo về cơ cấu và chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực phụ trách PHCN và Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng phần lớn còn kiêm nhiệm. Tại tuyến xã, hầu hết các trạm y tế chưa triển khai được công tác khám chữa bệnh vật lý trị liệu - phục hồi chức năng do thiếu nhân lực và trang thiết bị.
Nhận thức được những thách thức này, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát là đảm bảo cho người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, góp phần giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng.
Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật. Đồng thời, 90% các xã, phường, thị trấn sẽ triển khai mô hình PHCN dựa vào cộng đồng. Tỉnh cũng phấn đấu đảm bảo trên 90% cơ sở PHCN được duy trì, củng cố và phát triển, với tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN đạt tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.
Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh tập trung vào các giải pháp then chốt như hoàn thiện cơ chế chính sách và hướng dẫn chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo và đào tạo liên tục, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đặc biệt, tỉnh chú trọng việc tăng cường truyền thông và vận động xã hội, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ người khuyết tật.
Với tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai hướng đến một hệ thống phục hồi chức năng phát triển toàn diện tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, với sự đa dạng về phương pháp can thiệp. Hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng sẽ trở thành biện pháp chiến lược chủ đạo trong việc giải quyết vấn đề khuyết tật, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật PHCN thiết yếu phù hợp với nhu cầu.