Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bản địa
Xác định người dân tộc thiểu số là lực lượng quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, Lào Cai đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bản địa, góp phần gìn giữ bản sắc, thu hút du khách.

Các lớp tập huấn bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng cho hướng dẫn viên du lịch bản địa.
Chị Thào Thị Khu, hướng dẫn viên tại thôn Giàng Tà Chải, xã Tả Van, thị xã Sa Pa đã có 10 năm gắn bó với nghề. Ban đầu, chị Khu chỉ dẫn tour theo bản năng. Những năm gần đây, được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn do địa phương và ngành du lịch tổ chức, chị dần hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, từ đó giới thiệu văn hóa bản địa đến du khách một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Chị Khu cho biết: Sau khi tham gia các lớp tập huấn, tôi tự tin hơn trong giao tiếp với du khách, nhờ đó, lượng khách liên hệ đặt tour đông và đều hơn trước.
Chị Thào Thị Chư, nhân viên buồng phòng tại khách sạn Viettrekking Sa Pa, dù mới chỉ học hết THCS nhưng đã tìm được công việc có thu nhập ổn định nhờ trước đó tham gia đào tạo các kỹ năng về nghiệp vụ khách sạn. Hiện khách sạn Viettrekking Sa Pa có 60 nhân viên, trong đó khoảng 70% người dân tộc thiểu số.

Nhân viên tại khách sạn Viettrekking Sa Pa đa phần là người dân tộc thiểu số.
Anh Phan Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc điều hành khách sạn chia sẻ: Chúng tôi ưu tiên sử dụng lao động là người địa phương vì họ am hiểu văn hóa bản địa - yếu tố mà rất nhiều du khách đánh giá cao và tìm kiếm. Nhân viên tại khách sạn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn do chuyên gia trong và ngoài nước trực tiếp đào tạo, qua đó nâng cao kỹ năng phục vụ và chăm sóc khách hàng.
Lào Cai có khoảng 29.200 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, trong đó, hơn 14.000 lao động trực tiếp.
Những con số này cho thấy du lịch đang ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng và giàu tiềm năng, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của địa phương. Để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lao động này, mỗi năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đều tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng từ nguồn ngân sách nhà nước và các chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng năm 2024, toàn tỉnh có hơn 500 lượt người tham gia 9 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ lễ tân, kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ 4.0.

Hằng năm, Lào Cai mở các lớp tập huấn, lớp kiểm tra kỹ năng hướng dẫn viên du lịch.
Toàn tỉnh có 466 hướng dẫn viên du lịch, trong đó 112 người là hướng dẫn viên tại điểm, phần lớn hoạt động ở Khu du lịch Quốc gia Sa Pa. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, với trên 200 học viên tham gia.
Ông Trần Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Lực lượng hướng dẫn viên tại điểm, đặc biệt là người dân tộc thiểu số chính là những “đại sứ du lịch” đưa bản sắc văn hóa dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước. Tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch tại chỗ, hướng tới hình ảnh người dân bản địa là những chủ nhà thân thiện, hiểu biết và chuyên nghiệp.

Lực lượng hướng dẫn viên tại điểm, đặc biệt là người dân tộc thiểu số chính là những “đại sứ du lịch” đưa bản sắc văn hóa dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước.
“Tầm nhìn đến năm 2050, Lào Cai đặt mục tiêu trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực, gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi - nơi mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt và đầy cảm xúc, do đó, nhân lực du lịch chính là lực lượng quan trọng góp phần đưa du lịch Lào Cai đạt được những mục tiêu trên” - ông Bình cho biết thêm.