Nâng cao chất lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Năm 2024, Việt Nam đưa được hơn 158.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 125,4% kế hoạch năm. Nhật Bản, Hàn Quốc và Ðài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là những thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam; một số thị trường ở châu Âu tiếp tục rộng mở đối với người lao động…
Theo thống kê, mỗi năm người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đóng góp về Việt Nam từ 3,5-4 tỷ USD/năm. Người lao động Việt Nam được đánh giá cao về sự chăm chỉ, có tay nghề; tuy nhiên để nâng cao chất lượng và vị thế người Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2024 đã có sự phục hồi nhanh chóng, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể.
Năm 2024, theo số liệu thống kê từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 158.588 lao động (52.898 lao động nữ) đạt 126,9% kế hoạch năm (năm 2024, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 125.000 lao động) và bằng 99,13% so năm 2023 (năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 159.986 lao động).
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA) Nguyễn Ðức Nam cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp bắt đầu tập trung vào những thị trường lao động có mức thu nhập cao và yêu cầu về trình độ tay nghề như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu như Litva, Rumani; cung ứng lao động có chuyên môn ngành nghề như: Thợ hàn đóng tàu, thợ cơ khí, thợ điện… Năm 2024, SONA đưa đi được gần 500 lao động cho các thị trường có mức thu nhập cao và yêu cầu cao về tay nghề…
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: Sau khi người lao động kết thúc hợp đồng trở về nước, việc tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho lực lượng này góp phần cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao cho thị trường lao động trong nước, giúp người lao động tiếp cận với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản và Hàn Quốc tại Việt Nam; đồng thời, động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng, giảm tỷ lệ cơ trú bất hợp pháp tại nước bạn.
Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng vì nguồn lao động bắt đầu khan hiếm. Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có những thay đổi trong chính sách thu hút lao động nước ngoài.
Ngoài ra, vẫn còn một số trung tâm môi giới lao động không hợp pháp, thu nhiều tiền và tạo gánh nặng cho người lao động. Tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại một số thị trường đã giảm và ở mức cho phép, nhưng vẫn gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ uy tín của người lao động Việt Nam…
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong tình hình mới cần có chiến lược xây dựng hình ảnh người lao động Việt Nam trên trường quốc tế thông qua bồi dưỡng trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Nếu có sự đầu tư vào công tác đào tạo nghề, phát triển kỹ năng ngoại ngữ, bảo vệ quyền lợi lao động và cung cấp đầy đủ thông tin hỗ trợ, chất lượng lao động Việt Nam sẽ được nâng cao.
Về nhiệm vụ này, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp là rất quan trọng.
Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Phạm Viết Hương cho biết: Ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống; phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam tiếp tục là hướng đi đúng trong thời gian tới.
Bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc thì một số thị trường mà lao động của chúng ta đã sang làm việc như Ðức, Hy Lạp, Phần Lan... hay một số nước châu Âu khác, bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác của các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp cũng rất chủ động khai thác mở thị trường như Ðan Mạch, Tây Ban Nha...
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tăng cường quản lý, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm tất cả người lao động đều được giáo dục định hướng theo quy định về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động; tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước...
Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm, Việt Nam đưa được khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2021-2024, đã có gần 500.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hiện có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD/năm.