Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công chứng
Hoạt động công chứng (CC) phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa và việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động CC trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch.

Làm thủ tục lăn tay cho một giao dịch công chứng
Lấy người dân làm trung tâm
Có mặt tại Phòng CC số 1 (địa chỉ số 148A Nguyễn Huệ, phường Phú Nhuận, quận Thuận Hóa) vào đầu giờ sáng, chúng tôi thấy rất nhiều khách hàng là đại diện các tổ chức, cá nhân đến thực hiện giao dịch CC về: Chứng thực bản sao các giấy tờ, tài liệu gốc, chứng thực chữ ký trên các giấy tờ, văn bản; CC hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản và bất động sản.
Ông Lê Văn Trường (ở phường An Cựu, quận Thuận Hóa) vừa CC xong hợp đồng mua bán nhà đất chia sẻ: Tôi vừa mua căn nhà trên đường Phan Chu Trinh. Để bảo đảm các thủ tục mua bán theo đúng quy định, tôi cùng bên bán đã đến phòng CC làm thủ tục CC hợp đồng mua bán nhà đất. Làm xong thủ tục này, vợ chồng tôi mới yên tâm...
Cũng tại Phòng CC số 1, ông Trần Thanh Đạm (75 tuổi, ở phường Phú Nhuận, quận Thuận Hóa) đến làm các thủ tục CC di chúc để lại tài sản cho các con. "Khi đến Phòng CC, tôi thấy đội ngũ CC viên làm việc rất chuyên nghiệp, tư vấn tận tình theo đúng quy định của pháp luật. Đáng chú ý là thời gian giải quyết hồ sơ nhanh, niêm yết công khai các loại phí, thù lao CC, từ đó tạo nhiều thuận lợi cho người dân", ông Đạm nói.
Phó Trưởng phòng CC số 1 Trần Thị Bích Hà thông tin: Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, phòng đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ khách hàng khi có lý do chính đáng không đến được trụ sở CC, CC ngoài giờ làm việc. Phòng thu tiền thù lao và phí CC theo quy định của Nhà nước được niêm yết công khai. Ngoài chứng thực bản sao và chứng thực chữ ký, trung bình mỗi ngày, phòng CC số 1 tiếp nhận 10 - 15 lượt người dân, tổ chức đến chứng nhận hợp đồng, giao dịch.
Xã hội hóa công tác công chứng
Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 11 tổ chức hành nghề CC (2 phòng CC Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp và 9 văn phòng CC tư nhân) với 27 CC viên. Riêng năm 2024, các tổ chức hành nghề CC đã thực hiện hơn 43.210 CC hợp đồng, giao dịch; 955 CC bản dịch và các loại việc khác; thu trên 22,7 tỷ đồng phí CC, nộp ngân sách hơn 2,6 tỷ đồng. Từ khi triển khai thi hành Luật CC năm 2014 và thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động CC, các phòng CC và văn phòng CC đã góp phần tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các hợp đồng CC.
“Không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại, việc thành lập các văn phòng CC còn góp phần giảm tải áp lực cho phòng CC Nhà nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này. Người dân có quyền lựa chọn những tổ chức CC có uy tín, chất lượng để bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hợp đồng, giao dịch”, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng khẳng định.
Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về CC, nhiều năm qua, Sở Tư pháp tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các tổ chức hành nghề CC thực hiện đúng quy định của pháp luật về CC; làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra và tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật CC năm 2014 và các văn bản liên quan cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và mọi người dân, các tổ chức hành nghề CC nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về CC. Đồng thời, tập huấn nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ CC viên; tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hành nghề CC; qua thanh tra, kiểm tra nhắc nhở, chấn chỉnh những vi phạm xảy ra.
Theo Chủ tịch Hội CC viên thành phố Nguyễn Hữu Hoàng, đến nay, hoạt động CC phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Các Văn phòng CC được thành lập, củng cố và phát triển, góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Việc xã hội hóa công tác CC thời gian gần đây không những tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân mà còn đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch; tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Ngày 1/7/2025, Luật CC năm 2024 chính thức có hiệu lực. Luật CC được ban hành để khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 10 năm thi hành Luật CC năm 2014; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động CC theo chủ trương “xã hội hóa”, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động CC, từng bước phát triển nghề CC Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện các cấp, các ngành đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung nhằm sớm đưa Luật CC vào cuộc sống.