Báo động 'lỗ hổng' trong quản lý sản phẩm dinh dưỡng

Vụ việc gần 600 mặt hàng sữa giả vừa bị phát hiện trên thị trường đã phơi bày những 'lỗ hổng' đáng báo động trong công tác quản lý thực phẩm dinh dưỡng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Tình trạng này cần được nhanh chóng xử lý nghiêm, để răn đe các đối tượng vi phạm, làm lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Sữa bột giả đang được đóng gói để đưa ra thị trường. Ảnh: CQCN

Sữa bột giả đang được đóng gói để đưa ra thị trường. Ảnh: CQCN

“Tảng băng chìm”

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa phát hiện, triệt phá đường dây sản xuất, mua bán sữa giả với số lượng lớn nhất từ trước tới nay, gây rúng động dư luận. Người tiêu dùng “giật mình” bởi sức khỏe của chính mình bị đe dọa bởi các sản phẩm sữa giả, kém chất lượng.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 8/2021 đến nay, 2 công ty (có trụ sở tại Hà Đông, Hà Nội) là Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất và tung ra thị trường tới 573 loại sữa bột giả dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau.

Nhắm đến các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ mang thai và người bệnh mãn tính, các sản phẩm này được quảng bá rầm rộ là thực phẩm bổ sung cao cấp, có chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo, macca, óc chó… Nhưng kết quả giám định từ cơ quan chức năng cho thấy, những thành phần dinh dưỡng trên chỉ tồn tại trên nhãn mác, chủ yếu là hỗn hợp nguyên liệu rẻ tiền, phụ gia kém chất lượng, là hàng giả.

Ngay sau khi đường dây này bị triệt phá, Hà Nội đã tiến hành rà soát việc công bố các sản phẩm dinh dưỡng trên thị trường. Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội thông tin: “Trong số gần 600 loại sữa giả mới bị phát hiện, từ năm 2021 đến nay, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký công bố 71 sản phẩm là thực phẩm dinh dưỡng của các công ty trên. Trong số các hồ sơ mà Chi cục tiếp nhận, không có hồ sơ nào có đối tượng là những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng, phụ nữ có thai… Có 90% các sản phẩm còn lại được công bố tại các địa phương khác.

Trong vòng 4 năm, với hành vi sản xuất buôn bán sữa giả, thực phẩm dinh dưỡng giả, các đối tượng liên quan đã thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, nhiều sản phẩm đã len lỏi vào cả các cơ sở khám chữa bệnh. Ngành Y tế đã vào cuộc rà soát và phát hiện nhiều sản phẩm sữa của 2 công ty nói trên lọt vào nhiều cơ sở y tế. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn đã phát hiện sản phẩm sữa Hapomil được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục các sản phẩm sữa của các công ty trên. Bệnh viện 108 cũng phát hiện sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng… Tuy chưa có kết luận từ cơ quan chức năng về sữa giả nhưng các bệnh viện đã dừng tư vấn, thu hồi sản phẩm...

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, vụ việc trên đặc biệt nghiêm trọng; liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Đã đến lúc phải siết chặt kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm chức năng, nhất là sữa dành cho trẻ em và trừng trị thích đáng các đối tượng vi phạm.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cảnh báo: “Tình trạng hàng giả núp bóng sản phẩm sữa đang gia tăng, đặc biệt nhắm đến những nhóm dễ tổn thương về sức khỏe. Sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em và sức khỏe người bệnh. Thậm chí, một số thành phần có thể gây ngộ độc cấp hoặc mãn tính, làm trầm trọng thêm bệnh nền. Hiệp hội đề nghị các bộ, ngành đề nghị tăng cường phòng, chống hàng giả; cam kết hỗ trợ thông tin và phối hợp chặt chẽ trong truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng…”.

Xử lý nghiêm minh, siết chặt hậu kiểm

Theo Bộ Y tế, việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm có trách nhiệm nhiều Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương, và UBND các cấp. Về việc tiếp nhận, quản lý hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm của doanh nghiệp theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Bộ Công thương chỉ kiểm tra đối doanh nghiệp nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt hiện nay do Bộ Y tế quản lý.

Về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của các sai phạm chủ yếu đến từ quy trình cấp phép lỏng lẻo và hậu kiểm sơ sài. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết,khó khăn nhất trong kiểm tra, giám sát, quản lý hiện nay là các sản phẩm không phân phối qua hệ thống siêu thị lớn, chủ yếu bán qua mạng xã hội hoặc đại lý nhỏ. Ngay khi phát hiện vụ việc, các đơn vị chức năng đã được yêu cầu báo cáo lại các hoạt động thanh tra, hậu kiểm để truy rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân quản lý, xác minh các “lỗ hổng” giám sát và ngăn chặn nguy cơ hàng giả tiếp tục lọt lưới thị trường.

Theo Bộ Y tế, cơ chế tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm đã được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Trong đó, đa số các sản phẩm chỉ cần tự công bố trước khi lưu thông trên thị trường, trừ 4 nhóm đặc thù như sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, thực phẩm dùng trong chế độ ăn đặc biệt… phải được đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả quản lý, công tác hậu kiểm giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các đơn vị: Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ điều tra, kết luận vụ việc; tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, sữa giả; rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm; rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp…

Theo các chuyên gia, không thể để tình trạng “xảy ra rồi mới khắc phục” tiếp diễn. Việc xử lý hình sự là cần thiết, nhưng chưa đủ răn đe. Vấn đề cốt lõi nằm ở sự thay đổi từ cơ chế - cấp phép, kiểm tra, giám sát đến chế tài đủ mạnh để răn đe. Vấn đề cốt lõi nằm ở sự thay đổi từ cơ chế cấp phép, kiểm tra, giám sát đến chế tài xử phạt. Đã đến lúc sức khỏe người tiêu dùng cần được bảo vệ bằng một hệ thống pháp luật đầy đủ, nghiêm minh.

BS. Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD):
Việt Nam đã từng phanh phui nhiều vụ án sản xuất thực phẩm, sữa giả và xử lý trước đây. Tuy nhiên, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, sữa giả vẫn tiếp tục len lỏi trên thị trường, đánh lừa cả những người tiêu dùng kỹ tính nhất. Cần rà soát lại hệ thống quản lý thực phẩm, tránh chồng chéo giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà sản xuất. Những hành vi làm giả sữa, thực phẩm dinh dưỡng giả… cần bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Thương mại điện tử đang phát triển nhanh nhưng vẫn là “vùng trũng pháp lý”. Nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để tiếp thị sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật. Ngoài các hệ thống bán lẻ lớn có cơ chế kiểm soát chặt, vi phạm khó xảy ra; nhưng ở các kênh bán hàng khác, nếu không tăng cường hậu kiểm và chế tài nghiêm khắc, vi phạm sẽ còn tiếp diễn. Cơ quan nhà nước cần thay đổi phương thức kiểm tra, không chỉ dựa vào hồ sơ mà phải kiểm tra đột xuất, hậu kiểm thực tế, kết hợp tuyên truyền và tập huấn cho doanh nghiệp hướng đến sản phẩm sạch, an toàn.

Tuyết Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/bao-dong-lo-hong-trong-quan-ly-san-pham-dinh-duong-20250424101529181.htm
Zalo