Nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho học viên các trường CAND

Từ ngày 10/7 đến 13/7, tại TP Huế, Cục Đào tạo – Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trại hè cán bộ, nhà giáo tiêu biểu các trường CAND năm học 2023-2024 bao gồm các hoạt động sinh hoạt chính trị như thăm các di tích lịch sử và tổ chức 2 hội thảo khoa học: 'Nâng cao chất lượng công tác dạy giỏi trong các học viện, trường đại học, cao đẳng CAND' và 'Học viên các học viện, trường CAND với văn hóa ứng xử trên không gian mạng'.

Thiếu tướng, PGS. TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo chủ trì các Hội thảo khoa học: “Nâng cao chất lượng công tác dạy giỏi trong các học viện, trường đại học, cao đẳng CAND” và “Học viên các học viện, trường CAND với văn hóa ứng xử trên không gian mạng”.

Tham dự hội thảo khoa học còn có Đại tá, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo, đại diện các phòng chức năng của Cục Đào tạo; về phía Công an tỉnh Thừa Thiên Huế: Đồng chí Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh; đại diện Ban Giám hiệu, Ban Giám đốc, đại diện các phòng chức năng và các giáo viên có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024 của các học viện, nhà trường CAND.

Thiếu tướng, PGS TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo phát biểu tại Hội thảo.

Thiếu tướng, PGS TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, Thượng tá, Th.S Đặng Thị Thu Hương, Trưởng phòng Phòng Quản lý công tác dạy và học, Cục Đào tạo thông tin, năm học 2023-2024 tính đến ngày 30/6 có 143 nhà giáo đạt danh hiệu dạy giỏi cấp trường, trong đó có 5 nhà giáo là lãnh đạo khoa và các trường CAND đã đăng ký xét danh hiệu dạy giỏi cấp Bộ đối với 78 nhà giáo, trong đó có 6 nhà giáo là lãnh đạo khoa.

Đại tá, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo trình bày báo cáo đề dẫn và điều hành tham luận tại Hội thảo.

Đại tá, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo trình bày báo cáo đề dẫn và điều hành tham luận tại Hội thảo.

Số lượt thực hiện dạy giỏi cấp khoa, cấp trường được đánh giá tăng mạnh so với các năm học trước; hoạt động dạy giỏi được tổ chức ở tất cả các cấp độ và có nhiều sự đổi mới, đa dạng về hình thức, sáng tạo về cách thức tổ chức, đánh giá dạy giỏi. Số lượng nhà giáo là lãnh đạo khoa, có chức danh giảng viên chính/giáo viên cao cấp tham gia dạy giỏi cấp trường chiếm tỷ lệ khá cao.

Các đại biểu dự hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo.

Nhiều nhà giáo đã sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; sử dụng, khai thác tối đa chức năng các công cụ, thiết bị kỹ thuật trong thiết kế hồ sơ bài giảng, phục vụ các hoạt động giảng dạy, dạy giỏi các cấp. Nhiều nhà giáo đã tích cực áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, yêu cầu học viên tích cực tham gia các hoạt động trong tiết giảng lý thuyết và làm việc theo nhóm trong các tiết thảo luận, thực hành nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên. Nhà giáo đã chủ động, tích cực làm tốt các hoạt động thực hành mẫu, giúp học viên rèn luyện kỹ năng, tay nghề.

Một tiết giảng bài của giảng viên Học viện Chính trị CAND.

Một tiết giảng bài của giảng viên Học viện Chính trị CAND.

Thông qua hoạt động dạy giỏi, nhiều nhà giáo đã có thể sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại, phát huy tính tích cực của học viên. Nhiều sáng kiến, đổi mới của nhà giáo về nội dung, phương pháp dạy học, về sử dụng phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được phổ biến, nhân rộng thông qua tọa đàm trao đổi kinh nghiệm dạy giỏi,… Về tư thế, lễ tiết, tác phong: Nhà giáo trong quá trình thực hiện bài giảng đều thực hiện đúng quy trình lên lớp, chấp hành tốt Điều lệnh CAND có tư thế, tác phong sư phạm chuẩn mực, nghiêm túc; ngôn ngữ diễn đạt rõ ràng, truyền cảm, tạo được không khí thân thiện, cởi mở, sôi nổi trong các tiết giảng. Nhà giáo làm chủ được quá trình giảng dạy, bao quát tốt lớp học, điều khiển tốt hoạt động học tập của học viên.

Điều hành tham luận tại hội thảo, Đại tá, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo, cho biết: “Dạy giỏi là hoạt động chuyên môn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp đội ngũ nhà giáo không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng dạy học của bản thân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo của các trường CAND đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp trong nâng cao chất lượng hoạt động dạy giỏi, phong trào thi đua dạy tốt góp phần đổi mới giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác dạy giỏi trong các học viện, trường đại học, cao đẳng CAND” đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, tích cực của đông đảo đội ngũ nhà giáo của các trường CAND với 71 bài tham luận chất lượng và tiếp cận chủ đề hội thảo ở nhiều góc độ, trên nhiều bình diện khác nhau nhưng đều hướng đến việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, những bài học, kinh nghiệm có giá trị trong công tác tổ chức hoạt động dạy giỏi, phong trào thi đua dạy giỏi, đồng thời nhân rộng những bài học, mô hình tổ chức điển hình, thực hiện có hiệu quả, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động dạy giỏi trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung làm rõ một số nội dung như: nâng cao chất lượng phong trào thi đua dạy tốt, tổ chức hội thi dạy giỏi hoặc đánh giá bài dạy giỏi; kết quả và kinh nghiệm trong tham mưu tổ chức phong trào thi đua dạy giỏi, tổ chức hội thi dạy giỏi; giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua dạy giỏi, tổ chức hội thi dạy giỏi; kết quả và kinh nghiệm trong tham gia phong trào thi đua dạy giỏi, hội thi dạy giỏi hoặc đánh giá bài dạy giỏi; đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động dạy giỏi; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác dạy giỏi.

Tại Hội thảo “Học viên các học viện, trường CAND với văn hóa ứng xử trên không gian mạng” đã nhận được 59 bài viết và tham luận tiếp cận nội dung ở nhiều góc độ khác nhau. Từ đó, đã làm rõ được những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với hành vi ứng xử văn hóa trên không gian mạng giúp cho mỗi học viên của nhà trường, học viện trở thành công dân số có trách nhiệm trong nền văn hóa số.

Các tham luận tập trung vào các nội dung như: một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao văn hóa ứng xử trên không gian mạng của học viên học viện, các trường CAND; thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục học viên về văn hóa ứng xử trên không gian mạng; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống cho học viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của học viên về ứng xử thiếu văn hóa, lệch chuẩn trên không gian mạng…

Đánh giá chất lượng của 2 hội thảo khoa học, Thiếu tướng, PGS. TS Đỗ Anh Tuấn cho biết: “Nội dung các bài tham luận phản ánh toàn diện, sâu sắc, thể hiện nhiều góc nhìn, khía cạnh khác nhau về chủ đề hội thảo. Hội thảo đã thống nhất đánh giá và khẳng định sự cần thiết phải nâng cao chất lượng công tác dạy giỏi của nhà giáo trong các trường CAND và vai trò, tầm quan trọng những tác động của không gian mạng đến học viên hiện nay; đánh giá khái quát kết quả thực hiện công tác dạy giỏi của giáo viên của các trường CAND và thực trạng giao tiếp, ứng xử trên không gian mạng của học viên các trường CAND trong thời gian qua, khẳng định những mặt làm được, những mặt còn hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót”.

Hội thảo đã chia sẻ, trao đổi những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy giỏi và văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho học viên các trường CAND đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Thu Hải

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nang-cao-chat-luong-giang-day-cua-giao-vien-va-van-hoa-ung-xu-tren-khong-gian-mang-cho-hoc-vien-cac-truong-cand-i737259/
Zalo