Nâng cao chất lượng công tác biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng bộ
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ngành và chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao niềm tin vào Đảng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
![Thường trực Huyện ủy Xuân Trường tổ chức hội nghị nghe báo cáo các nội dung tiếp thu sau Hội thảo khoa học “Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Trường 1930-2023”.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_441_51436504/13c5c0e6fba812f64bb9.jpg)
Thường trực Huyện ủy Xuân Trường tổ chức hội nghị nghe báo cáo các nội dung tiếp thu sau Hội thảo khoa học “Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Trường 1930-2023”.
Để nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, Ban TVTU đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc quán triệt, triển khai nghiêm túc, sâu rộng Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”; ban hành Hướng dẫn “Quy trình thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh” để thống nhất quy trình thẩm định các công trình lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh, bảo đảm chất lượng nội dung, tính Đảng, tính khoa học. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động tham mưu và giúp Ban TVTU xây dựng kế hoạch triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; hướng dẫn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, Ban Tuyên giáo các cấp đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị sưu tầm, bổ sung tư liệu mới với nhiều nguồn, nhiều hình thức khác nhau. Các tư liệu, văn bản mới được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cập nhật, lưu trữ, hiện đang tiến hành số hóa các tư liệu lịch sử; đồng thời đăng tải kịp thời trên Bản tin thông tin nội bộ của tỉnh, trang website Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… nhằm cung cấp thông tin, phục vụ kịp thời việc nghiên cứu, khai thác thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành phân loại, lập danh mục, số hóa khoảng 50 nghìn trang tư liệu. Năm 2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cập nhật được khoảng 300 tư liệu từ các nguồn: Báo Nam Định, các trang thông tin điện tử của tỉnh, của các ngành, địa phương, các báo, tạp chí…
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các cấp ủy đảng đều thành lập Ban chỉ đạo, Ban sưu tầm tư liệu, Ban biên soạn, xây dựng kế hoạch, đề cương, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành qua các thời kỳ… để thống nhất ý kiến, bổ sung hoàn thành bản thảo. Qua đó các công trình lịch sử được biên soạn, xuất bản kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và nhu cầu khai thác, tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 3/9 huyện, thành phố đã và đang tổ chức tái bản, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ; 175/175 đơn vị hành chính cấp xã đã xuất bản lịch sử Đảng bộ. Các ấn phẩm lịch sử của các Đảng bộ đã xuất bản đều được tiến hành công phu, cẩn trọng theo đúng quy trình, hướng dẫn, đảm bảo chất lượng tốt.
Cùng với công tác biên soạn, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện hiệu quả, nền nếp, nhất là nhân các sự kiện trọng đại, các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, ngày truyền thống của các địa phương, đơn vị với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm ôn lại truyền thống; tổ chức trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến lịch sử truyền thống địa phương; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống vào các buổi sinh hoạt chi bộ và coi đó là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng, thiết thực của chi bộ. Một số cơ quan, đơn vị tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về lịch sử Đảng, đất nước, lịch sử truyền thống của ngành nhân kỷ niệm các sự kiện trọng đại, ngày truyền thống.
Công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện; trong đó đã chỉ đạo xây dựng đề cương, đưa lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong các nhà trường, các trung tâm chính trị huyện. Trong năm 2024, 10/10 huyện, thành phố chỉ đạo đưa nội dung lịch sử đảng bộ tỉnh vào giảng dạy, bồi dưỡng cho học sinh THPT, đảng viên mới; lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy, bồi dưỡng cho học sinh THCS, đối tượng phát triển đảng… theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp học, bậc học) góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; sự hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân về lịch sử truyền thống cách mạng vẻ vang, hào hùng của Đảng, dân tộc, về mảnh đất và con người quê hương Nam Định. Khơi dậy niềm tin, lòng tự hào và tình cảm yêu quê hương, đất nước, cổ vũ tinh thần hăng hái tích cực của nhân dân, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Khúc Mạnh Kiên, TUV, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu giúp Ban TVTU lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng. Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương sau sáp nhập sắp xếp bổ sung, biên soạn tái bản, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương; lịch sử truyền thống của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là đối với những địa phương, đơn vị mới chỉ viết lịch sử đảng bộ đến năm 2005 trở về trước. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Tham mưu chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, lễ kỷ niệm, hội thảo khoa học nhân dịp kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh, các nhân vật lịch sử, người con ưu tú của quê hương Nam Định. Phối hợp rà soát, chỉnh lý, bổ sung tài liệu, đề cương đưa lịch sử Đảng bộ tỉnh vào giảng dạy cho học sinh các trường THPT, đảng viên mới, lịch sử đảng bộ địa phương (huyện, thành phố) vào giảng dạy, bồi dưỡng cho học sinh THCS, đối tượng phát triển đảng... nhằm phát huy tác dụng của các công trình lịch sử Đảng. Thực hiện tốt công tác thẩm định nội dung các công trình, ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị và lịch sử truyền thống các ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh trước khi xuất bản, đảm bảo chất lượng, nội dung các công trình, ấn phẩm lịch sử. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng từ tỉnh đến cơ sở.