Nạn nhân bạo lực tại Việt Nam được hưởng lợi từ dự án 60 triệu đô của Úc
Nước Úc đang hỗ trợ Việt Nam để đem các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục đến gần hơn với mọi người dân.
Những con số báo động về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em
Hiện nay, trên thế giới có gần 1/3 phụ nữ đã từng bị bạo lực thể xác và hoặc tình dục. Ước tính có tới 10 triệu trẻ em là nạn nhân của nạn bóc lột tình dục. Cũng theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019, ở Việt Nam, vấn nạn này vẫn còn ẩn giấu trong xã hội vì hơn 90% nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền, một nửa trong số họ chưa bao giờ kể cho ai biết về việc mình từng bị bạo lực.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang cản trở các mục tiêu bình đẳng và phát triển cũng như thực hiện các quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái.
“Dịch bệnh bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nỗi ô nhục đối với nhân loại… Mỗi ngày, trung bình có 140 phụ nữ và trẻ em gái bị giết bởi chính người trong gia đình họ. Khoảng 1/3 phụ nữ vẫn phải chịu bạo lực thể xác hoặc tình dục. Không có quốc gia hay cộng đồng nào không bị ảnh hưởng” – ông Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc nói.
Mới đây, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Chính phủ Australia, Úc sẽ cam kết tài trợ 56,8 triệu đô la cho chương trình dự án mới nhằm thúc đẩy quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở Đông Nam Á, bao gồm nỗ lực xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Chương trình này hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn cầu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tăng cường và phát huy vai trò của các đối tác chiến lược lâu dài như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Liên đoàn Kế hoạch hóa Gia đình Quốc tế (IPPF), Marie Stopes International và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận thông tin, giáo dục và dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chất lượng cao.
Các đối tác sẽ phối hợp với chính quyền và cộng đồng để nâng cao chất lượng của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục; đồng thời tăng cường giáo dục và chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe sinh sản, hỗ trợ tiến trình xóa bỏ tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm và ép buộc kết hôn.
Là tổ chức thành viên của IPPF, Hội KHHGĐ Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Ông Lê Đức Hoàng, Giám đốc Điều hành Hội KHHGĐ Việt Nam cho biết: “Trung ương Hội đã xây dựng đề xuất dự án trong khuôn khổ hỗ trợ của chính phủ Úc cho IPPF. Dự án đáp ứng hầu hết các yêu cầu của nhà tài trợ về cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho người dân cộng đồng, đặc biệt những người thiệt thòi và khó tiếp cận dịch vụ. Dự án do Hội xây dựng tập trung vào việc tiếp cận, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho khách hàng là nạn nhân hoặc những người chịu ảnh hưởng của nạn bạo lực tình dục, đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới”.
Được biết, chương trình này được phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy Sáng kiến chăm có Sức khỏe sinh sản và tình dục trong thời kỳ Ứng phó với COVID-19 của Úc giai đoạn 2021-2024. Sáng kiến này đã cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục cho 4,5 triệu người và hỗ trợ hơn 125.000 nạn nhân của bạo lực tình dục và bạo lực giới trên khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Dự án cũng góp phần thay đổi Chương trình nghị sự dành cho Phụ nữ, Thanh niên và Thanh thiếu niên tại Thái Bình Dương Giai đoạn 2 bắt đầu vào tháng 11 năm 2023 và đang cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ tương tự trên khắp Thái Bình Dương.
Dự án phản ánh cam kết của Úc đối với việc xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, hiện thực hóa quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục trên toàn cầu, vốn là trọng tâm của phát triển toàn diện.
Úc cam kết hỗ trợ các ưu tiên của Việt Nam nhằm cung cấp chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện và dễ tiếp cận, bất kể là phụ nữ hay nam giới. Nhờ vậy, tất cả người dân Việt Nam đều có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt cho tương lai của bản thân và gia đình, dựa trên nền tảng thông tin đầy đủ.