Nan giải cuộc chiến chống gian lận thương mại ở Gia Lai
Gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, cho thấy đây là 'cuộc chiến' rất nan giải ở Gia Lai.
Thời gian qua, bên cạnh sự phát triển tích cực của nền kinh tế, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, cho thấy đây là “cuộc chiến” còn rất nan giải.
Buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi
Hiện nay, trên thị trường, các mặt hàng được bày bán đa dạng, phong phú về chủng loại, trong đó có sự trà trộn các mặt hàng bị làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Một số mặt hàng thường xuyên bị giả nhãn mác phải kể đến như: thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng gia dụng, hàng hóa chuyên ngành (như: phụ kiện ô tô, xe máy, linh kiện điện tử…); đặc biệt, một số mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như; thuốc lá, pháo nổ, đường cát, phân bón, bia rượu, nước uống cũng được bày bán tràn lan.
Trong năm 2024, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Gia Lai (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã phát hiện, bắt giữ 2.123 vụ với 1.909 đối tượng vi phạm; khởi tố 43 vụ với 66 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 1.709 vụ với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 34,2 tỷ đồng.
So với năm 2023 đã giảm 299 vụ phát hiện, giảm 230 đối tượng; khởi tố hình sự tăng 1 vụ, giảm 2 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính giảm 246 vụ; số tiền thu nộp ngân sách giảm 16,25 tỷ đồng. Dù số vụ vi phạm giảm so với năm 2023 song đó vẫn là một con số đáng báo động về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại xảy ra trên địa bàn.
![Cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Hiền Mai](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51441690/e58aca3bfe75172b4e64.jpg)
Cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Hiền Mai
Theo lực lượng chức năng, nhóm mặt hàng vi phạm nổi cộm gồm: thuốc lá, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Các hành vi vi phạm chủ yếu bị phát hiện, xử lý như: vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu; vi phạm về an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ: buôn bán hàng hóa giả nhãn hiệu; bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet…
Bên cạnh "mặt trận" truyền thống, "ma trận" hàng hóa gian lận thương mại trên không gian mạng, nhất là các mạng xã hội như Facebook, TikTok và các sàn thương mại điện tử còn có mức độ và cường độ cao hơn nhiều lần.
Thay vì bán hàng truyền thống sẽ mất nhiều chi phí phát sinh thì việc bán hàng online lại trở nên dễ dàng hơn, lợi nhuận mang lại rất lớn cho nên nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng mọi kẽ hở của pháp luật để giao dịch trên mạng; quảng cáo trực tuyến kèm khuyến mại rầm rộ nhằm thu hút người mua. Mặt khác, một số đơn vị, cá nhân cũng nhập lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới với quy mô ngày càng tinh vi hơn.
![Nhiều vụ livestream bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet đã bị lực lượng chức năng xử lý. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Gia Lai](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51441690/ba7b93caa7844eda1795.jpg)
Nhiều vụ livestream bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet đã bị lực lượng chức năng xử lý. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Gia Lai
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song bài toán chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn gặp phải nhiều khó khăn. Trong đó nổi trội là lực lượng chức năng chưa đủ nhân sự và trang, thiết bị để kiểm soát toàn diện các hành vi vi phạm, nhất là trên không gian mạng.
Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, sử dụng công nghệ để che giấu hành vi, khiến việc truy vết gặp nhiều trở ngại. Một số đối tượng cố tình không thừa nhận mình là chủ sở hữu website hoặc việc lập website là do nhân viên của mình tự ý làm không liên quan đến chủ cơ sở... Mặt khác, nhiều người dân chưa đủ khả năng nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng, vô tình tiếp tay cho các hành vi gian lận.
Triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn
Trung tá Lê Việt Anh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết: Tội phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Mặc dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng còn tình trạng cá nhân, doanh nghiệp trà trộn hàng thật và hàng giả để bán ra thị trường.
"Cách đây không lâu, lực lượng Công an đã phát hiện và tịch thu 1,2 tấn cà phê của một cơ sở trên địa bàn TP. Pleiku và đang củng cố chứng cứ để xử lý vì có dấu hiệu kinh doanh hàng giả. Bên cạnh đó, vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra nhiều" - Trung tá Lê Việt Anh thông tin.
Ông Lê Hồng Hà - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai cho biết: Năm 2024, đơn vị tập trung vào công tác trinh sát nắm tình hình, quản lý địa bàn. Khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm, lực lượng quản lý thị trường thực hiện kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngày càng tinh vi hơn.
Nhiều đối tượng lợi dụng các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến để quảng cáo sản phẩm, giao dịch mua bán, sau đó thông qua các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng hóa nhằm tránh bị các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát.
![Lực lượng chức năng tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu. Ảnh: Hiền Mai](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51441690/f94ed2ffe6b10fef56a0.jpg)
Lực lượng chức năng tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu. Ảnh: Hiền Mai
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/11/2024 đến 1/3/2025.
Cụ thể, lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng điểm, mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, thực phẩm, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa… với mục tiêu không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm (sữa các loại, đồ uống, rượu thủ công, bánh kẹo…), phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng.
Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và phối hợp đấu tranh phòng-chống các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.
Tăng cường công tác kiểm tra trên toàn tỉnh, trong đó tập trung vào các địa bàn, tuyến trọng điểm, chú trọng các tuyến Pleiku-Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Pleiku đi các tỉnh phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại nhằm ngăn chặn hoạt động tàng trữ, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng đưa vào nội địa để tiêu thụ.
Chú trọng các địa bàn TP. Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê và huyện Đức Cơ để xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…; tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng… thường xuyên kiểm tra khâu lưu thông, tăng cường công tác quản lý địa bàn đối với các kho hàng, địa điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Các đội Quản lý thị trường địa bàn có tuyến biên giới, cửa khẩu sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng hóa vận chuyển trái phép từ tuyến biên giới, Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh vào thị trường nội địa tập kết, tiêu thụ.
Thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Gia Lai): Năm 2024, số đối tượng vi phạm tập trung vào các nhóm hành vi như: buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng cấm.
Lực lượng Công an đã phát hiện 340 vụ/366 đối tượng, khởi tố 35 vụ/60 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 28 vụ/28 đối tượng với số tiền hơn 48 triệu đồng. Ngoài ra, chuyển cơ quan chức năng xử phạt 277 vụ/278 đối tượng theo thẩm quyền.