Nắm trong tay 'con bài khoáng sản', Trung Quốc đã đủ khiến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ lao đao

Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu khoáng sản thiết yếu, cộng với chi phí chiến tranh thương mại ngày càng cao và những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, được các chuyên gia cảnh báo sẽ làm gián đoạn nhiều chương trình quân sự của Mỹ.

Việc Trung Quốc tiếp tục hạn chế những khoáng sản quan trọng và những khoảng trống trong chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ gây gián đoạn các chương trình quân sự của Mỹ trong thời gian tới. Ảnh minh họa. (Nguồn: SCMP)

Việc Trung Quốc tiếp tục hạn chế những khoáng sản quan trọng và những khoảng trống trong chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ gây gián đoạn các chương trình quân sự của Mỹ trong thời gian tới. Ảnh minh họa. (Nguồn: SCMP)

Dù tạm hoãn áp thuế với một số đối tác thương mại lớn hồi tháng trước, Tổng thống Donald Trump vẫn siết trừng phạt với hàng hóa Trung Quốc, làm gia tăng bất ổn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung và gây thêm áp lực lên ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

"Đòn đáp trả"

Một trong những chiến lược chủ chốt của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại hiện nay là áp dụng kiểm soát xuất khẩu có chọn lọc đối với nguyên tố đất hiếm – vật liệu thiết yếu trong sản xuất các sản phẩm thương mại, quân sự và công nghệ vũ trụ.

Là quốc gia sản xuất và tiêu thụ đất hiếm hàng đầu thế giới, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 90% nguồn cung toàn cầu, đồng thời dẫn đầu về quy mô và năng lực chế biến.

Việc Bắc Kinh siết xuất khẩu đất hiếm được giới phân tích đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, do loại vật liệu này đóng vai trò then chốt trong nhiều công nghệ quân sự như động cơ phản lực, radar, thiết bị hàng không và các hệ thống điện tử tiên tiến.

Biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng Tư, được xem là đòn đáp trả trước việc chính quyền Tổng thống Trump nâng thuế đối với hầu hết hàng hóa Trung Quốc lên 54%, sau đó tiếp tục tăng lên 125% khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới leo thang các biện pháp trả đũa thương mại.

Tính đến nay, Washington đã áp thuế tổng cộng 145% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đưa mức thuế thực tế lên khoảng 156%.

Đáp lại, từ ngày 4/4, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa 7 nguyên tố đất hiếm trung bình và nặng, gồm samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và các sản phẩm liên quan đến yttrium, vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Việc xuất khẩu các nguyên tố này nay phải có giấy phép đặc biệt, cho phép Bắc Kinh siết chặt lượng hàng rời khỏi quốc gia.

Các biện pháp áp dụng với mọi quốc gia, không riêng Mỹ, và khả năng cấm xuất khẩu hoàn toàn vẫn được để ngỏ. Đáng chú ý, lệnh kiểm soát không chỉ nhằm vào khoáng sản thô mà còn cả các sản phẩm hoàn thiện như nam châm vĩnh cửu, phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.

Trung Quốc lâu nay coi “quyền lực khoáng sản” là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán chiến lược, đặc biệt nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và các đồng minh. Tháng 12/2024, Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu gali, germani và antimon sang Mỹ, nối tiếp các bước kiểm soát từ tháng 7/2023 yêu cầu xin phép khi xuất khẩu nhiều sản phẩm liên quan đến gali và germani, sau đó mở rộng sang antimon vào tháng 8.

Hiện Trung Quốc chiếm 48% sản lượng antimon khai thác toàn cầu, kiểm soát gần như toàn bộ nguồn gali tinh chế (98,8%) và hơn một nửa lượng germani tinh chế (59,2%). Các khoáng chất này đóng vai trò then chốt trong sản xuất vũ khí, kính nhìn đêm, cáp quân sự, tàu chiến và thậm chí cả vũ khí hạt nhân.

Theo giới chuyên gia, động thái mở rộng kiểm soát với các nguyên tố đất hiếm cho thấy Bắc Kinh ngày càng “vũ khí hóa” quyền lực khoáng sản trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ.

Vì sao là đất hiếm?

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố có đặc tính độc đáo đã trở nên quan trọng đối với một số ngành công nghiệp, bao gồm quốc phòng, xe điện, năng lượng và điện tử. Trái ngược với tên gọi của chúng, các khoáng sản này có trữ lượng tương đối dồi dào. Tuy nhiên, việc khai thác và tinh chế đất hiếm rất phức tạp và gây nhiều thách thức cho môi trường.

Nước Mỹ hiện chỉ có mỏ Mountain Pass nằm ở sa mạc Mojave của bang California đang sản xuất đất hiếm, chiếm khoảng 15% sản lượng toàn cầu. Vì vậy, nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới buộc phải nhập khẩu hầu hết các khoáng sản đất hiếm từ Trung Quốc.

Giáo sư Vlado Vivoda đến từ Viện Khoáng sản bền vững tại Đại học Queensland (Australia) cho biết, Trung Quốc là "nhà sản xuất và chế biến thống trị toàn cầu" một số nguyên tố đất hiếm cần thiết để sản xuất nam châm vĩnh cửu hiệu suất cao.

Toàn cảnh mỏ đất hiếm Mountain Pass của Mỹ. (Nguồn: Business Wire)

Toàn cảnh mỏ đất hiếm Mountain Pass của Mỹ. (Nguồn: Business Wire)

Các loại nam châm và nguyên tố đất hiếm do Trung Quốc kiểm soát được ứng dụng rộng rãi trong công nghệ quân sự Mỹ như radar, tên lửa, động cơ máy bay và thiết bị hàng hải. Yttri, gadolinium, dysprosi, terbi, samarium… đóng vai trò quan trọng trong lớp phủ chịu nhiệt, cảm biến, nam châm hiệu suất cao và phát hiện bức xạ.

Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 85% chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều khoáng chất không nằm trong danh sách cấm chính thức nhưng vẫn ảnh hưởng lớn đến ngành quốc phòng Mỹ. Dù Mỹ có thể tăng sản xuất trong nước trong vòng 1–2 năm, việc chế biến khoáng sản vẫn cần thời gian dài hơn.

Theo các chuyên gia, dù Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu trực tiếp, nhiều sản phẩm chứa đất hiếm vẫn được xuất khẩu và rất khó kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng trừ khi Trung Quốc dừng hoàn toàn việc xuất khẩu cho mọi quốc gia.

Nỗ lực tìm kiếm nguồn thay thế

Tổng thống Donald Trump ngày 21/3 thông báo Lầu Năm Góc đã trao hợp đồng Chương trình chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (Next Generation Air Dominance-NGAD) cho Boeing để thiết kế và chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 đầu tiên trên thế giới, với tên gọi F-47. Dòng máy bay thế hệ mới sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2030 và thay thế ch9o phi đội F-22 Raptor hiện tại.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 mới của Washington với nhiều công nghệ tiên tiến và kỹ năng chiến đấu ưu việt sẽ đòi hỏi nhiều nam châm và các kim loại đất hiếm. Với việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm chắc chắn sẽ gây tổn hại đến chuỗi cung ứng của các nhà thầu quốc phòng và hàng không vũ trụ Mỹ, khiến quá trình sản xuất F-47 bị chậm trễ.

Ông Joshua Ballard, CEO USA Rare Earth, nhận định: “Dựa vào mức độ khẩn trương của chính quyền Tổng thống Trump, có thể thấy Mỹ đang lo lắng và không có đủ lượng dự trữ đất hiếm”. Ông cho rằng, trong 3-5 năm tới, Mỹ có thể xây dựng năng lực sản xuất nhưng cần hành động nhanh và chấp nhận rủi ro để đầu tư cho các dự án ban đầu.

Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko tới Washington ký khung thỏa thuận khoáng sản với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, thiết lập Quỹ Đầu tư tái thiết do hai nước quản lý, ngày 30/4. (Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ)

Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko tới Washington ký khung thỏa thuận khoáng sản với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, thiết lập Quỹ Đầu tư tái thiết do hai nước quản lý, ngày 30/4. (Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ)

Giáo sư Vivoda cho rằng việc ngừng tiếp cận đất hiếm đột ngột có thể gây gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng quốc phòng, đặc biệt là với các nền tảng yêu cầu hiệu suất cao về từ tính và nhiệt như động cơ máy bay hay hệ thống tác chiến điện tử.

Ông nhấn mạnh, chương trình NGAD phụ thuộc lớn vào đất hiếm cho các hệ thống radar, cảm biến, điều khiển bay và tàng hình. Dù tác động tức thời tùy thuộc vào lượng tồn kho và hợp đồng đã ký, nhưng nếu thiếu hụt kéo dài, Mỹ có thể đối mặt với chậm trễ trong phát triển và triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến.

Washington nhận thức rõ mối nguy tiềm tàng này và đã không ngừng tìm kiếm các nguồn thay thế trong nước cũng như quốc tế để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Bắc Kinh.

Vào tháng 3/2025, Tổng thống Trump ký một sắc lệnh hành pháp kêu gọi chính phủ liên bang hợp lý hóa việc phê duyệt giấy phép cho các mỏ mới, tận dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng và khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân.

Hai công ty Mỹ, Niocorp và US Critical Materials, đang triển khai các dự án mỏ đất hiếm mới. Niocorp phát triển mỏ và cơ sở chế biến niobi, scandi, titan tại Nebraska, còn Critical Materials hướng đến khai thác đất hiếm và gali ở Montana.

Tổng thống Trump từng nhiều lần đề xuất kiểm soát Greenland-hòn đảo chiến lược giàu tài nguyên đất hiếm, thậm chí bằng vũ lực nếu cần, khiến Đan Mạch và nhiều nước châu Âu phản đối. Trước đó, chính quyền Greenland đã dừng một dự án khai thác đất hiếm tại phía Nam vì lo ngại môi trường.

Thông tin về việc công ty USA Rare Earth đang xây dựng một cơ sở sản xuất nam châm ở bang Oklahoma, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm sau, ông Joshua Ballard khẳng định, không có lý do gì khiến Mỹ không thể phát triển chuỗi cung ứng của riêng mình, vì các khoáng sản này đều có sẵn trong nước.

"Ngoài ra, Mỹ cần đầu tư vào sản xuất kim loại đất hiếm cũng như phát triển các mỏ và công nghệ chế biến của riêng mình, ông Ballard nói thêm.

Dù chưa biết các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump đạt hiệu quả đến đâu, các chuyên gia dự báo, khi chi phí cho cuộc chiến thương mại tăng lên, việc Trung Quốc tiếp tục hạn chế những khoáng sản quan trọng và những khoảng trống trong chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ gây gián đoạn các chương trình quân sự của Mỹ trong thời gian tới.

(theo SCMP)

Mỹ Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nam-trong-tay-con-bai-khoang-san-trung-quoc-da-du-khien-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-my-lao-dao-310226.html
Zalo