Nam Thư gửi đơn tố cáo: Cần thu thập chứng cứ, tài liệu gì?

Diễn viên Nam Thư gởi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng tại TP Đà Lạt và UBND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), vậy phải thu thập chứng cứ sao cho đúng luật.

Những ngày qua, cộng đồng mạng quan tâm đến việc bà Trần Thị Nam Thư (diễn viên Nam Thư, 37 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu), gửi đơn tố cáo đến UBND TP Đà Lạt và UBND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).

Nữ diễn viên gửi đơn để tố cáo những người có hành vi vu khống, xâm phạm danh dự và sử dụng hình ảnh của diễn viên này đăng trên mạng xã hội. Đồng thời, UBND huyện Đức Trọng cũng đã chuyển đơn của diễn viên Nam Thư đến Công an huyện Đức Trọng để xử lý, điều tra theo thẩm quyền về việc cho rằng một quán cơm đã sử dụng hình ảnh đăng trên mạng xã hội.

Trước đó diễn viên Nam Thư đã lập vi bằng, gửi đơn đến cơ quan chức năng để tố cáo việc cô bị lợi dụng uy tín của người nổi tiếng để tống tiền, chiếm đoạt tài sản; hành vi vu khống, xâm phạm danh dự; hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội để xâm phạm lợi ích, quyền lợi cá nhân của người khác.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Mai Thanh Bình (Công ty Luật TNHH Mai Thanh Bình) đã chia sẻ ý kiến liên quan đến vấn đề pháp lý.

*Phóng viên: Diễn viên Nam Thư tố cáo cần thu thập chứng cứ gì, thưa luật sư?

- Luật sư Mai Thanh Bình: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn sau đây: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; vật chứng; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng; kết luận giám định; biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực; các nguồn khác mà pháp luật có quy định (điều 95 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015).

Luật sư Mai Thanh Bình

Luật sư Mai Thanh Bình

Và các nguồn khác như: vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác. Đối với các chứng cứ đối với vụ án hình sự (điều 87 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015).

Khi phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì người cá nhân, tổ chức có thể tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ để nộp lên cơ quan chức năng bằng những biện pháp sau đây: Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử; thu thập vật chứng; xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng;

Đồng thời, diễn viên Nam Thư có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý; yêu cầu UBND cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc dân sự (điều 97 Bộ Luật Taố tụng dân sự 2015).

*Khi phát hiện hình ảnh bị sử dụng trái phép, diễn viên Nam Thư cần làm gì?

- Luật sư Mai Thanh Bình: Khi thấy hình ảnh của mình bị sử dụng trái phép sử dụng trái phép, Nam Thư cần chủ động thu thập các tài liệu, hình ảnh, ghi âm, ghi hình và các chứng cứ khác chứng minh cho hành vi vi phạm của người vi phạm như: hình ảnh bị sử dụng trái phép; hình ảnh đăng trái phép trên cái trang xã hội, nội dung tin nhắn yêu cầu gỡ hình ảnh của mình, những trao đổi với giữa các bên về vấn đề sử dụng hình ảnh trái phép.

Ngoài ra Nam Thư có thể thu thập thêm những tài liệu, văn bản, giấy tờ liên quan đến thiệt hại, tổn thất vật chất thực tế; những thiệt hại tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình của ảnh hưởng do hành vi nêu trên

* Những chứng cứ như tin nhắn, lời xúc phạm thu thập được xử lý ra sao khi gửi đơn đến cơ quan chức năng?

- Luật sư Mai Thanh Bình: Khi đã thu thập chứng cứ thì các cá nhân, tổ chức có thể chụp lại hình ảnh, tin nhắn in ra nộp kèm hoặc yều cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận tin nhắn, hình ảnh, các clip liên quan đến việc sử dụng hình ảnh trái phép nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín người khác hoặc mục đích tống tiền để làm chứng cứ trình báo cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nam-thu-gui-don-to-cao-can-thu-thap-chung-cu-tai-lieu-gi-196240810132544347.htm
Zalo