Đề xuất quy trình thanh tra hành chính trong Công an nhân dân

Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định quy trình thanh tra hành chính trong Công an nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Theo đó, dự thảo Thông tư gồm 3 Chương, 30 Điều. Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý như tại Điều 3, quy định về thẩm quyền ra quyết định thanh tra; Điều 8, quy định thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra.

Thẩm quyền ra quyết định thanh tra

Chánh Thanh tra Bộ ra quyết định thanh tra các lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an theo kế hoạch công tác thanh tra hằng năm của lực lượng Công an nhân dân; Thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc các lĩnh vực, vụ việc do Bộ trưởng Bộ Công an giao.

Thanh tra lại vụ việc đã được Chánh Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Chánh Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Chánh Thanh tra Công an cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Chánh Thanh tra Công an cấp tỉnh ra quyết định thanh tra các lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Giám đốc Công an cấp tỉnh được giao trong kế hoạch công tác thanh tra hằng năm của lực lượng Công an nhân dân; Thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Giám đốc Công an cấp tỉnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc các lĩnh vực, vụ việc do Giám đốc Công an cấp tỉnh giao.

Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình và lực lượng Thanh tra Công an tỉnh tiếp công dân định kỳ.

Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình và lực lượng Thanh tra Công an tỉnh tiếp công dân định kỳ.

Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra

Trước khi ban hành quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra ra quyết định giao cán bộ tiến hành thu thập thông tin có liên quan để làm rõ sự cần thiết tiến hành thanh tra. Cán bộ được giao nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch thu thập thông tin trình Thủ trưởng cơ quan thanh tra phê duyệt.

Việc thu thập thông tin được thực hiện như sau:

- Nghiên cứu, tổng hợp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra cung cấp thông tin bằng văn bản về tình hình hoạt động, chấp hành chính sách, pháp luật có liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra; kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra (nếu có) và các thông tin khác có liên quan.

- Trong trường hợp cần thiết, cán bộ được giao thu thập thông tin, tài liệu làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Khi đến làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xuất trình: Văn bản của cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thu thập thông tin; Giấy giới thiệu, Giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc Thẻ thanh tra còn giá trị sử dụng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ không được gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin; không được yêu cầu cung cấp hoặc thu thập thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch thu thập thông tin đã được duyệt.

Thời gian thực hiện việc thu thập thông tin không quá 05 ngày làm việc (trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày làm việc). Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc thu thập thông tin, cán bộ được giao nhiệm vụ phải có văn bản báo cáo kết quả với Thủ trưởng cơ quan thanh tra, trong đó nêu rõ những nội dung chính như: khái quát tình hình hoạt động, việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của đối tượng dự kiến được thanh tra; Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra (nếu có) và các thông tin khác có liên quan; Đề xuất cụ thể nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

Theo bocongan.gov.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/de-xuat-quy-trinh-thanh-tra-hanh-chinh-trong-cong-an-nhan-dan-228880.html
Zalo