Năm mới, sẽ có thêm nhiều lời tạm biệt...
Năm 2025 hẳn sẽ là một năm nhiều biến động với biết bao người. Kể từ khi Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 141 của Chính phủ về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy ra đời thì có hàng trăm nghìn viên chức, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp.
![Minh họa: BH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_361_51432731/a0f736320d7ce422bd6d.jpg)
Minh họa: BH
Đâu đó những lời tạm biệt đã vang lên. Một ấn phẩm báo chí ngừng xuất bản, nhiều kênh truyền hình ngừng phát sóng, hay một vài cơ quan báo chí cấp tỉnh đã sớm sáp nhập. Nhiều người hẳn sẽ gặp khó khăn sau sự kiện cắt giảm nhân sự này. Họ không có thời gian để nuối tiếc nơi mình từng nhiều năm cống hiến và gắn bó. Bởi cuộc sống cần phải tiếp diễn, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến họ phải loay hoay xoay xở tìm kiếm một hướng đi mới cho mình. Trước những khó khăn chung của thời cuộc, việc tìm kiếm được công việc phù hợp thật chẳng dễ dàng gì. Đó là sự thật khốc liệt mà rất nhiều người phải đối mặt bởi đã không có sự dự phòng, chuẩn bị. Mọi thứ diễn ra bất ngờ, đâu mấy ai lường trước được sẽ có một ngày những thứ cứ ngỡ là chắc chắn lại dễ dàng bị đổi thay.
Tôi đã nhận được lời tạm biệt sớm từ một vài bạn biên tập ở các tạp chí văn nghệ địa phương. “Năm sau chắc chẳng còn được đặt bài nhau nữa”, dòng tin nhắn của bạn hiện lên khiến lòng tôi ngổn ngang khó tả. Tôi dành một khoảng lặng nhìn lại một chặng đường dài được cộng tác cùng tạp chí. Từ khi tôi còn là cô sinh viên khoa viết văn, báo chí gửi bài đi bằng những lá thư tay. Lúc ấy báo điện tử còn chưa phát triển, tôi vẫn xếp hàng ở thư viện nhà trường lật từng cuốn tạp chí mới. Hoặc chờ đợi mỗi ngày ở văn thư háo hức mong báo biếu được chuyển về. Cũng có ngày tôi đạp xe qua những cung đường đông đúc của thủ đô ghé sạp báo quen thuộc trên đường Giảng Võ. Mỗi lần thấy bài viết của mình trên trang báo lòng tôi vẫn nguyên vẹn thứ niềm vui lấp lánh từ con chữ. Nhớ đến một tạp chí nào đó là nhớ một vùng đất, nhớ tình người. Dù sau này các tạp chí văn nghệ địa phương có tồn tại dưới một hình thức nào khác thì tôi vẫn luôn tin rằng văn chương vẫn còn đó, tình người vẫn vẹn nguyên. Nhìn lại một quãng đường gắn bó để thấy biết ơn nhau. Để chúng ta biết trân trọng những điều đáng quý trong hiện tại.
Trong những ngày này, “kỷ nguyên mới” là một thuật ngữ mà chúng ta được nghe thấy nhiều lần. Đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới với những sự kiện hoặc thay đổi quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội. Mong rằng với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ mở ra những bước đi quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã bày tỏ quan điểm: Cuộc “phẫu thuật” nào cũng để lại sự đau đớn. Nhưng chúng ta hãy chịu đựng sự đau đớn này thì mới đủ dũng cảm và sức mạnh để đi qua những đau đớn của các cuộc phẫu thuật khác có thể còn đau đớn hơn. Và từ đó chúng ta mới có khả năng phá bỏ “xiềng xích của tư duy” và “cất cánh”. Bởi vậy dù sẽ có thêm nhiều lời tạm biệt thì chúng ta cũng lạc quan chúc nhau chân cứng đá mềm, tìm kiếm thời cơ mới, vận hội mới, với những điều tốt lành còn đang ở phía trước. Cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra thênh thang, rộng lớn hơn. Tạm biệt để gặp lại nhau trong một tâm thế mới.