Nam Định trỗi dậy từ những công trình mang tầm chiến lược

Nam Định, mảnh đất với bề dày văn hóa và lịch sử, đang vươn mình mạnh mẽ, không chỉ là biểu tượng cho sự chuyển mình về kinh tế, mà còn là minh chứng sống động về khát vọng vươn tầm khu vực và quốc gia. Những công trình chiến lược mang tầm vóc lịch sử, những quyết sách táo bạo và tinh thần quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh đã và đang thay đổi hoàn toàn diện mạo của Nam Định, đưa tỉnh trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế Việt Nam.

Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đoạn qua xã Hải Đông (Hải Hậu). (Ảnh Viết Dư)

Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đoạn qua xã Hải Đông (Hải Hậu). (Ảnh Viết Dư)

Những công trình mang tầm chiến lược - Nền móng cho sự phát triển lâu dài

Thời gian qua, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác hàng loạt công trình quan trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, liên kết vùng, các trục giao thông hướng tâm, các cầu lớn vượt sông đóng vai trò động lực,

thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, một số dự án đã cơ bản hoàn thành trong năm 2024 gồm: Tuyến đường bộ ven biển, cầu Bến Mới nối Nam Định - Ninh Bình, cầu vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh mà còn tạo nên mạng lưới giao thông kết nối liên vùng và giúp Nam Định khai thác tiềm năng kinh tế biển và kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm. Một số công trình đang được gấp rút hoàn thành thi công để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI gồm: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển; cầu qua sông Đào và đường trục phía nam thành phố Nam Định. Hiện, tỉnh đang thúc đẩy đầu tư các tuyến cao tốc như Nam Định - Hải Phòng (CT.08), Nam Định - Hà Nam (CT.11), cầu Ninh Cường… với vai trò hình thành “huyết mạch kinh tế”, khẳng định tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, đưa Nam Định trở thành là một trung tâm kết nối logistics quan trọng của khu vực đồng bằng sông Hồng.

Hệ thống các khu công nghiệp (KCN) như Rạng Đông, Mỹ Thuận, Bảo Minh và các cụm công nghiệp (CCN) Thịnh Lâm, Yên Dương đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng, không chỉ giúp thu hút dòng vốn FDI mà còn đặt Nam Định vào bản đồ các trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của miền Bắc. Nhiều khu, CCN đang triển khai thực hiện với tổng diện tích 438ha như KCN Trung Thành và 6 CCN Hải Vân, Đồng Côi, Thanh Côi, Yên Bằng, Tân Thịnh, Giao Thiện; 9 KCN đang triển khai thủ tục đầu tư với tổng diện tích khoảng 3.000ha gồm: Hồng Tiến, Xuân Kiên, Hải Long, Nam Hồng, Minh Châu... Trong đầu tư hạ tầng các khu, CCN của tỉnh thể hiện tầm nhìn dài hạn: không chỉ tập trung vào gia tăng số lượng dự án mà còn chú trọng vào chất lượng, lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Đây là một cách tiếp cận thông minh, giúp tỉnh phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh đầu tư ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng văn hóa, xã hội với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cũng được tích cực đầu tư. Dự án Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, một biểu tượng của lịch sử và văn hóa, không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà còn thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh. Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dự kiến hoàn thành vào năm 2025, mang đến dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng ngày càng lớn của người dân. Những công trình này không chỉ là những biểu tượng về sự phát triển mà còn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng sống. Bằng cách kết hợp giữa phát triển kinh tế và gìn giữ giá trị văn hóa, Nam Định đang từng ngày kiến tạo một môi trường sống hài hòa, vừa hiện đại vừa giàu bản sắc.

Tầm nhìn chiến lược: Lãnh đạo quyết liệt - nhân dân đồng lòng

Theo đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “Sự trỗi dậy của Nam Định không đến từ sự ngẫu nhiên mà còn là kết quả của một quá trình lãnh đạo quyết liệt, tư duy đột phá và sự đồng thuận xã hội cao. Một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định là việc huy động nguồn lực của Nam Định không chỉ dừng lại ở những mục tiêu phát triển đơn thuần mà đã đặt mục tiêu ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển hạ tầng các lĩnh vực trọng yếu, thực sự có tính đột phá, có tác dụng lan tỏa rộng, có tính chất kết nối vùng, liên vùng để kích hoạt động lực tăng trưởng”.

Với tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đạt 44.263 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần giai đoạn trước, cùng với gần 10 nghìn tỷ đồng vốn của các nhà đầu tư tư nhân để xây dựng, phát triển các KCN, CCN, Nam Định đang thực sự tạo ra “cú huých” để có bước nhảy vọt về kinh tế. Những con số này thể hiện tư duy đổi mới của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh đã tối ưu hóa chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện để kêu gọi nguồn lực từ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Hơn nữa, tỉnh đã vượt qua rào cản tâm lý “chỉ tập trung vào kinh tế nông nghiệp”, hướng đến công nghiệp hóa - hiện đại hóa với chiến lược phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Bên cạnh đó, sự gia tăng về nguồn lực còn phản ánh niềm tin của nhà đầu tư đối với tầm nhìn lãnh đạo và môi trường kinh doanh tại Nam Định.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” một cách thực chất đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng tích cực thúc đẩy. Nhờ đó, mọi khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng đều được giải quyết nhanh chóng, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Trước các thách thức như biến động giá vật liệu hay ảnh hưởng của thiên tai, tỉnh còn linh hoạt áp dụng các giải pháp sáng tạo, tối ưu hóa nguồn lực, góp phần đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án trọng điểm. Một trong những cơ sở thúc đẩy phát triển của Nam Định thời gian qua là sự tham gia tích cực của người dân vào các chủ trương, quyết sách của chính quyền. Không chỉ dừng ở việc tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ mà còn tăng cường đối thoại cởi mở, minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án. Điều này giúp các dự án được triển khai nhanh chóng.

Thách thức và cơ hội: Nhìn thẳng để tiến xa

Dù đạt được những thành tựu ấn tượng, Nam Định cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Một số dự án trọng điểm còn gặp khó khăn do vướng mắc trong công tác đền bù, tái định cư. Nguồn nhân lực chất lượng cao vốn là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN nhưng hiện nay vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, những thách thức này chính là động lực để Nam Định tiếp tục hoàn thiện hệ thống, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt trong đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư và đẩy mạnh đào tạo lao động chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực một cách bài bản, bền vững. Những dự án như tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn Nam Định - Thái Bình, tuyến cao tốc Nam Định - Hà Nam, và cầu Ninh Cường (dự kiến khởi công trong năm 2025) sẽ mở ra cơ hội lớn để Nam Định vượt qua mọi rào cản, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Với nền móng vững chắc từ những tuyến đường kết nối, những KCN hiện đại đến các công trình văn hóa - xã hội mang tầm vóc quốc gia, không chỉ giúp Nam Định thay đổi diện mạo mà còn minh chứng rằng: sức mạnh tập thể, tầm nhìn lãnh đạo và sự quyết liệt trong hành động chính là “chìa khóa” để tỉnh mở những cánh cửa vươn xa và hội nhập.

Thanh Thúy,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202412/nam-dinh-troi-day-tu-nhung-cong-trinh-mang-tam-chien-luoc-8826040/
Zalo