Nam Định triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn

Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm và mưa lớn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định đã ban hành công văn về việc triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn trong những ngày tới.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 21-22/9/2024, rãnh áp thấp có khả năng hình thành vùng áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc biển Đông và vịnh Bắc Bộ.

Từ ngày 22-23/9/2024, một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng xuất hiện mưa to diện rộng ở phía Đông Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Bình; vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9.

 Nam Định bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cơn bão số 3 và mưa lũ. Ảnh ST

Nam Định bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cơn bão số 3 và mưa lũ. Ảnh ST

Trước tình hình trên, để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm và mưa lớn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn về việc triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn trong những ngày tới.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL)... căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết nguy hiểm trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản;

Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất để khơi thông dòng chảy;

Chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Tiếp tục vận hành tối đa năng lực các công trình thủy lợi để tiêu thoát nước cho toàn bộ lưu vực trong điều kiện kỹ thuật cho phép. Triển khai phương án bảo vệ các công trình thủy lợi xung yếu, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố do mưa, lũ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành công trình và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Các cơ quan báo chí và thông tin đại chúng tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Theo thống kê của UBND tỉnh Nam Định đến hết ngày 13/9, tổng giá trị thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 560 tỷ đồng.

Trong đó, nặng nhất là về nông nghiệp với 18.102ha lúa bị ảnh hưởng, ước giá trị thiệt hại là 381,5 tỷ đồng; 3.800ha rau màu bị thiệt hại ước giá trị là 105,75 tỷ đồng; 2.145 cây hoa, cây cảnh các loại thiệt hại ước giá trị 1 tỷ 136,5 triệu đồng; 36,5ha cây trồng lâu năm thiệt hại ước giá trị khoảng 323,5 triệu đồng; 155,5ha cây trồng hàng năm thiệt hại ước giá trị là 390 triệu đồng.

Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có khoảng 833 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, ước giá trị thiệt hại (bao gồm cả chuồng trại và các thiệt hại khác) là 552,0 triệu đồng. Cùng đó, 699,5ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính gần 32 tỷ 298 triệu đồng.

Bão, mưa lũ làm 2.114 ngôi nhà bị ngập nước, 76 ngôi nhà bị thiệt hại một phần, 4 ngôi nhà bị thiệt hại nặng, 1 ngôi nhà bị thiệt hại rất nặng, ước tính giá trị thiệt hại trên 1,52 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do mưa lớn, nước lũ lên cao, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, đến nay nước đang rút dần; cầu phao Ninh Cường trên Quốc lộ 37B nước chảy xiết vướng vật cản trôi dạt làm ảnh hưởng đến kết cấu cầu phao, hiện đang được xử lý.

Một số điểm trường bị thiệt hại về cơ sở vật chất và bị ngập lụt, ước tính giá trị thiệt hại 388,7 triệu đồng. 4.087 cây xanh bị đổ và ngập trong nước do bão và lũ, ước giá trị thiệt hại trên 8,23 tỷ đồng.

Về công nghiệp, do ảnh hưởng của bão và lũ, toàn tỉnh có 60 cột điện bị đổ, bao gồm 59 cột điện hạ thế và 1 cột điện trung thế 110kV bị đổ, gãy và 1.530m hệ thống đường điện liên quan bị ảnh hưởng cùng một số thiệt hại từ nhà xưởng, xí nghiệp với tổng giá trị khoảng 1,095 tỷ đồng; nhiều công trình như chợ, công trình phụ trợ và tường rào bị đổ với tổng thiệt hại ước khoảng 646,5 triệu đồng.

Về thủy lợi, một số tuyến bờ bao, bối bị tràn gồm: Bờ bao xã Hồng Quang, bờ bao xã Yên Khang (Ý Yên); bối An Tùy (Nam Trực); bối Nam Quần Liêu (Nghĩa Hưng); bối Xuân Thành (Xuân Trường). Một số bối đang chống tràn gồm đê bối Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Nhân (Ý Yên); đê bối Phương Định (Trực Ninh); bối Phù Sa thượng (Nghĩa Hưng)…

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-dinh-trien-khai-cac-bien-phap-ung-pho-voi-vung-ap-thap-va-mua-lon-post313460.html
Zalo