Nam Định 'thúc' tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp

Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đề nghị chủ đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Mỹ Thuận và Mỹ Tân chủ động nguồn lực để sớm khởi công và hoàn thành dự án.

Chủ động nguồn lực

Từ cuối năm 2024 đến tháng 2 năm 2025, UBND tỉnh Nam Định đã liên tiếp quyết định thành lập 5 cụm công nghiệp, gồm cụm: Xuân Tiến 2; Nghĩa Phong; Mỹ Tân; Thắng Cường và Mỹ Thuận.

Trong đó, Cụm công nghiệp Mỹ Thuận được UBND tỉnh phê duyệt thành lập tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND do Công ty Cổ phần Thịnh Vượng Mỹ Lộc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 930 tỷ đồng, quy mô 69,23 ha.

Cụm công nghiệp Yên Dương, tỉnh Nam Định. Ảnh minh họa

Cụm công nghiệp Yên Dương, tỉnh Nam Định. Ảnh minh họa

Cụm công nghiệp Mỹ Thuận tập trung thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực: Cơ khí công nghệ cao, sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, thiết bị điện - điện tử; chế biến lương thực, thực phẩm, chế tạo vật liệu xây dựng; sản xuất thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, sản xuất đồ gia dụng; công nghiệp hỗ trợ và các ngành sản xuất chế tạo khác.

Cụm công nghiệp Mỹ Tân được UBND tỉnh phê duyệt thành lập tại Quyết định số 2991/QĐ-UBND do Công ty Cổ phần Thương mại Phát triển Công nghiệp Mỹ Tân Riverside làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 266 tỷ đồng; diện tích 23,2 ha tại xã Mỹ Tân.

Cụm công nghiệp Mỹ Tân được định hướng phát triển các ngành: Cơ khí (trừ công đoạn xi mạ, làm sạch bề mặt bằng hóa chất), điện - điện tử; chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất gỗ, thủ công mỹ nghệ; công nghiệp hỗ trợ và các ngành chế biến, chế tạo khác (không bao gồm dệt may, da giày, đồ chơi).

Cùng với quyết định thành lập nhiều cụm công nghiệp, UBND tỉnh Nam Định cũng tích cực bàn thảo với các chủ đầu tư tìm hiểu và định hướng tháo gỡ vướng mắc cho triển khai hạ tầng các cụm.

Đơn cử, tại buổi làm việc với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Mỹ Thuận và Tân Mỹ vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Mỹ Thuận và Mỹ Tân nói riêng và các cụm công nghiệp có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển công nghiệp của Nam Định, giúp địa phương nâng cao năng lực thu hút đầu tư, tạo việc làm và làm mới động lực tăng trưởng.

Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng chậm trễ trong triển khai dự án, phấn đấu khởi công 2 cụm công nghiệp trong quý III/2025.

Các chủ đầu tư chủ động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ chi trả đền bù giải phóng mặt bằng và sớm triển khai thi công ngay sau khi có mặt bằng. UBND tỉnh cam kết đồng hành hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, tất cả các bên liên quan phải nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia đảm bảo tiến độ triển khai.

Chung sức tạo lực đẩy mạnh tăng trưởng

Với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định đang tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp địa phương với các tập đoàn lớn.

Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

Với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định cần nhiều mặt bằng cho sản xuất. Ảnh minh họa

Với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định cần nhiều mặt bằng cho sản xuất. Ảnh minh họa

Để làm được những điều này có mặt bằng sản xuất sạch và nguồn nhân lực chất lượng tốt là yếu tố cực kỳ quan trọng. Do đó, các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp trọng điểm như Trung Thành, Hồng Tiến (Ý Yên), Hải Long (Giao Thủy), Nam Hồng (Nam Trực), Xuân Kiên (Xuân Trường), Minh Châu (Nghĩa Hưng)… đang được địa phương tăng tốc triển khai, sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư thứ cấp.

Hai chủ đầu tư các dự án Cụm công nghiệp Mỹ Thuận và Mỹ Tân cũng được lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định yêu cầu, chủ động nguồn lực tài chính, hoàn tất hồ sơ pháp lý, đảm bảo sẵn sàng khởi công dự án. Đồng thời, lựa chọn các đơn vị tư vấn có năng lực cao, bố trí cán bộ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để tận dụng tối đa sự hỗ trợ của tỉnh.

Nam Định cũng tiếp tục tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, như: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và mở rộng thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Với những nỗ lực trên, bằng hành động thiết thực, Nam Định đã và đang chứng minh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đạt mức tăng trưởng GRDP từ 10,5% trở lên, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 15% trở lên, giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.

Năm 2025, Nam Định là một trong số ít địa phương được Chính phủ giao đạt mức tăng trưởng GRDP 2 con số để chung tay cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-dinh-thuc-tien-do-xay-dung-ha-tang-cum-cong-nghiep-374336.html
Zalo